Liên tiếp nhiều người nhập viện vì nuốt phải dị vật trong thức ăn
Vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nuốt phải dị vật trong thức ăn gây tổn thương đường tiêu hoá nghiêm trọng. May mắn là các trường hợp đều được cấp cứu, điều trị kịp thời nên không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, điều này cũng là sự cảnh báo về thói quen ăn uống chưa hợp lý.
Mảnh vỏ sò đâm xuyên ruột non cụ bà
Ngày 30/6, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Quang Duy – Khoa Ngoại tiêu hoá Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết, đơn vị mình đang điều trị cho một cụ bà bị tổn thương đường tiêu hoá do mảnh vỏ sò. Bệnh nhân tên là N. T. N., 86 tuổi, ngụ tại P. 11, Q. Bình Thạnh. Trước đó, cụ N. ăn cháo hải sản. Do không còn răng nên cụ chỉ có thể nuốt thức ăn mà không hề biết đã nuốt luôn cả vỏ sò vào bụng. Hai ngày sau, cụ N. đau lâm râm bụng dưới. Vào lúc 10h30 ngày 28/6, cụ đã được con cái đưa tới khám tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định vì nghi bị rối loạn tiêu hoá. Lúc khám cho cụ bà, bác sĩ lo ngại nhất là bệnh nhân có khối u nhưng khi siêu âm thì ghi nhận tình trạng viêm ruột. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định chụp CT bụng để kiểm tra nguyên nhân khiến ruột bị viêm. Kết quả đã phát hiện có dị vật đâm xuyên ngang ruột non của cụ bà. Mặc dù bà N. có rất nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim nhưng trong tình thế cấp cứu nên không thể trì hoãn ca phẫu thuật. Nếu để dị vật di chuyển xuống và gây thủng ruột già thì phân sẽ trào ra ổ bụng làm viêm phúc mạc. Khi ấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân gần như cầm chắc.
Sau vài tiếng kể từ lúc nhập viện, bà N. đã được chuyển vào phòng mổ. Đầu tiên, các bác sĩ đã nội soi để thám sát vị trí của dị vật. Tiếp theo, bác sĩ mở một đường nhỏ để lôi dị vật ra ngoài. Dị vật được lấy ra là hai mảnh vỏ sò có kích thước lên tới 5 cm. Sau ca mổ, bệnh nhân ổn định, đang được theo dõi sát sao tại bệnh viện.
Đa dạng các loại dị vật
Tiến sĩ – bác sĩ Mai Phan Tường Anh – Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó Khoa Ngoại tiêu hoá Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cảnh báo, gần đây có liên tiếp các trường hợp nhập viện do nuốt phải dị vật như : tăm, xương cá, xương vịt, xác trà, vỏ sò, vỉ thuốc….
Ngay ngày 30/6, Khoa Ngoại tiêu hoá Bệnh viện Nhân Dân Gia Định vừa thực hiện xong ca phẫu thuật cho một phụ nữ 60 tuổi, ngụ tại TPHCM. Bệnh nhân đi khám vì bị đau bụng, sờ thấy trong bụng có một khối cứng. Hoá ra đây không phải khối u như bệnh nhân tưởng. Kết quả chụp CT cho thấy đó là một khối mủ, bên trong khối mủ này có dị vật. Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã xác định được dị vật trong ổ mủ kia chính là một mảnh xương cá. Bệnh nhân ăn cá, nuốt phải xương. Mảnh xương này theo đường tiêu hoá di trú ra thành bụng và tạo ổ áp xe.
Cách đây vài ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân tên là P. V. D., trên 60 tuổi, ngụ tại TPHCM trong tình trạng bị đau vùng mông trái và vùng bụng dưới bên trái. Diễn biến sức khoẻ của ông D. chuyển xấu, mạch đập nhanh, huyết áp tụt. Khi khám hậu môn, bác sĩ đã lấy ra được một mảnh xương cá dài 3 cm trong lòng trực tràng. Mảnh xương cá này đã đâm thủng trực tràng và tạo ổ áp xe ở thành của trực tràng. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, các bác sĩ nhận thấy ông D. bị viêm phúc mạc. Khoang bụng của ông có rất nhiều dịch đục, khoang sau phúc mạc có mủ lan từ sau trực tràng tới tận gốc động mạch mạc treo tràng dưới. Ê kíp phẫu thuật đã xử lý sạch ổ bụng, rạch tháo mủ ổ áp xe ở cạnh trái hậu môn. Tiếp đó, người bệnh được đặt ống dẫn lưu bụng và cạnh trực tràng, làm hậu môn nhân tạo. Do ông D. nhập viện trong bệnh cảnh sốc nhiễm trùng nên sau ca mổ phải mất 10 ngày theo dõi sát sao để ổn định các chỉ số sinh tồn. Nếu đến bệnh viện chậm thêm chút nữa, bệnh nhân đã có thể mất mạng.
Không chỉ xương cá, vỏ sò mà Bệnh viện Nhân Dân Gia Định còn mổ cấp cứu cho các trường hợp người cao tuổi bị tổn thương đường tiêu hoá do xương vịt và xác trà. Trong đó, nữ bệnh nhân 65 tuổi sau 3 ngày bị hóc xương vịt mới đi khám. Lúc này, bác sĩ ghi nhận mảnh xương đã đâm thủng thực quản của người bệnh. Còn trường hợp khác là một nam giới, 60 tuổi, uống trà điều trị bệnh đái tháo đường. Ai ngờ bệnh nhân nuốt luôn mảnh xác trà to và bị xác trà đâm thủng cả dạ dày. Bác sĩ Tường Anh ấn tượng hơn cả với trường hợp một cụ ông bị dị vật đường tiêu hoá xuyên qua dạ dày đi “lạc” vào gan. Dị vật này là một que tăm.
Thức ăn từ khi vào cho tới lúc đi hết ống tiêu hoá sẽ mất khoảng 4 ngày. Kể từ lúc nuốt vào, thức ăn sẽ còn nằm ở dạ dày khoảng 4 tiếng. Vị trí dễ bị dị vật xuyên thủng, nằm kẹt lại nhất chính là từ dạ dày ra ruột non và từ ruột non xuống ruột già. Nếu bệnh nhân tới bệnh viện sớm thì có thể soi gắp dị vật ra. Trong trường hợp muộn hơn thì sẽ được chỉ định chụp phim mỗi 6 tiếng để kiểm tra vị trí của dị vật, theo dõi và chờ dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi nếu thấy dị vật gây tổn thương, thủng, áp xe đường tiêu hoá thì bắt buộc phải phẫu thuật để xử trí.
Theo BS Tường Anh, để tránh không nuốt các dị vật này thì khi ăn uống mọi người cần lưu ý: Khi ăn cá thì nên ăn cá đã lóc xương, ví dụ như là phile. Ăn trái cây có hạt thì mình nên bổ ngang chứ mình đừng có bổ dọc. Vì khi bổ dọc hạt sẽ nằm song song với múi trái cây khó phát hiện ra hơn là bổ ngang. Nhiều người có thói quen xỉa răng bằng tăm thì nên chọn loại tăm bằng tinh bột, nếu có lỡ nuốt phải thì cũng sẽ tan ra trong cơ thể. Nếu trong nhà có người cao tuổi, trẻ nhỏ thì ngoài việc lựa chọn thực phẩm kỹ thì không nên cắt nhỏ vỉ thuốc để tránh việc không để ý mà nuốt cả vỏ thuốc.
Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Quang Duy – Khoa Ngoại tiêu hoá Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết ê kíp mổ đã gắp được mảnh vỏ sò kích thước 5 cm xuyên thủng ruột non của cụ bà 86 tuổi.
Các dị vật do người bệnh nuốt phải được ghi nhận tại Bệnh viện