Nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”
Ngày 17/9, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Tp.HCM) cho biết, Khoa này vừa điều trị thành công cho bệnh nhân H.T.H. (38 tuổi, ngụ TP.HCM) nhiễm vi khuẩn Whitmore (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”).
Bệnh nhân H. bị sốt cao kéo dài suốt 3 tuần liên tục, uống thuốc hạ sốt thông thường không khỏi nên nhập viện điều trị ngày 28/6. Trước khi nhập viện, bệnh nhân H. từng về quê ở Thái Nguyên thăm người thân.
Theo bệnh nhân, do trước đó bệnh nhân có dấu hiệu sốt nên đã từng đến khám bệnh tại Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên và nằm viện khoảng 5 ngày để điều trị. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên một bệnh viện ở Tp.Hà Nội điều trị nhưng tình trạng sốt vẫn không cải thiện và không rõ nguyên nhân gây sốt.
Chị H. quay trở lại Tp.HCM với tình trạng sưng đau gối khi nghỉ ngơi, khi vận động, nên đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
Lúc nhập viện, bệnh nhân H. bị sốt cao (39 – 40 độ C). Qua khám lâm sàng, bệnh viện ghi nhận khớp gối trái của bệnh nhân bị sưng, sờ ấm, ấn đau, hạn chế cử động và môi khô, lưỡi dơ, vẻ lừ đừ, hạch cổ sưng to…
“Với những triệu chứng này, bệnh nhân bị nhiễm trùng nên chúng tôi tiến hành cho xét nghiệm, chọc dịch khớp gối, cấy máu, cấy dịch khớp và dùng kháng sinh phổ rộng ngay lập tức”, bác sĩ Trí nói.
Xét nghiệm cấy máu cho kết quả bệnh nhân H. bị nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia Pseudomallei (chủng vi khuẩn “ăn thịt người”). Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.
Sau 15 ngày được điều trị, hiện bệnh nhân H. không còn sốt, khớp gối hết sưng, giảm đau nhiều và đã đi lại bình thường, ăn uống khá, đặc biệt là các chỉ số xét nghiệm nhiễm trùng cải thiện tốt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Minh Trí cho hay, bệnh Whitmore (thường được gọi với tên vi khuẩn “ăn thịt người”) do vi khuẩn gram âm có tên là Burkholderia Pseudomallei gây ra cho cả người và động vật.
Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Vi khuẩn thâm nhập từ môi trường nước, bùn đất
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, mới đây, tỉnh Đồng Nai phát hiện và điều trị cho bệnh nhi T.T.D.M (14 tuổi nhà ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bị mắc bệnh Whitmore, vi khuẩn “ăn thịt người”. Đây là ca bệnh nhi đầu tiên ở Đồng Nai mắc bệnh này.
Đầu tiên, bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện khám viêm hạch. Nhưng sau một thời gian không khỏi. Bệnh nhi bị áp xe phần mềm vùng cổ bên phải, nên người nhà cho nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị. Các bác sĩ đã mổ lấy hạch, để xác định rõ bệnh nhi nhiễm trùng vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
“Để chắc chắn, chúng tôi cách ly bệnh nhân, và tiếp tục gửi mẫu phẩm đến Bệnh viện Nhiệt đới Tp.HCM để làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore và công bố”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Sau khi điều trị theo phác đồ riêng, điều trị kháng sinh 2 tuần thì bệnh nhân được xuất viện, nhưng vẫn theo dõi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Theo bác sĩ Nghĩa, đây là vi khuẩn khá độc, nghe thì sợ nhưng thực sự nó không đáng sợ. Vì nó không phải lây từ người sang người, chủ yếu thâm nhập vào cơ thể người từ môi trường nước, bùn đất… Để phát hiện bệnh, người dân cần dựa vào những vết thương ở da, loét, hoại tử da.
“Muốn phòng ngừa bệnh này, người dân không nên chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này, thay vào đó, hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
Đồng thời, người sân cần sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm…”, bác sĩ Nghĩa cho biết thêm.
Bác sĩ Nghĩa thông tin, khi mắc bệnh, tỉ lệ nhiễm trùng huyết và tỉ lệ tử vong cao. Bệnh gặp chủ yếu ở người lớn, nhất là khi làm đồng, ruộng và bị trầy xước…
BỆNH VIỆN NHÂN DÂN GIA ĐỊNH
CHẨN ĐOÁN CHÍNH XÁC CA BỆNH HIẾM XƠ CỨNG BÌ
Sau khi theo điều trị dai dẳng ở các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa da liễu trong suốt nhiều năm liền nhưng không hiệu quả vì bị chẩn đoán nhầm là mắc viêm da cơ địa, vào đầu tháng 2 năm 2025, anh P.V.N, 61 tuổi, ngụ tại Gò Vấp đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhập viện trong tình trạng đau đùi trái, đau khớp háng trái, đi lại khó khăn. Tại khoa Nội cơ xương khớp, các bác sĩ chẩn đoán anh N. bị bệnh xơ cứng bì hiếm gặp và điều trị thành công cho anh.
Suốt 5 năm qua, anh N. cảm nhận làn da có sự thay đổi. Càng lúc da của anh càng cứng, dày thêm. Điều đáng nói là 7 anh chị em trong gia đình của anh N., không ai có biểu hiện trên da lạ như vậy. Thỉnh thoảng, anh N. còn bị đau khớp. Mỗi khi lên cơn đau khớp, anh tự mua thuốc về nhà uống và cảm thấy bớt đau. Sau khi đến nhiều cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa da liễu để được thăm khám, chữa trị, anh N. được chẩn đoán bị viêm da cơ địa. Mất rất nhiều thời gian và chi phí chữa trị nhưng không khỏi bệnh, anh N. quyết tâm đi tìm nguyên nhân.
Khi đến khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, anh N. bị đau khớp háng, đùi trái, da xơ cứng toàn thân. Qua chẩn đoán ban đầu, anh N. bị viêm mô tế bào đùi trái kèm theo viêm khớp háng trái. Các bác sĩ tiến hành thăm khám toàn diện và cho anh N. thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu của cơ xương khớp, bệnh lý tự miễn. Kết quả, anh bị xơ cứng bì toàn thể có tổn thương khớp. Từ đó, các bác sĩ kịp thời khởi động phác đồ điều trị bệnh này cho anh.
BS.CK1 Huỳnh Thị Thùy Trang, Phó khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ điều trị trực tiếp cho anh N. chia sẻ: “Do không được điều trị xơ cứng bì toàn thể sớm nên để chẩn đoán chính xác, chúng tôi cho anh N. tầm soát thêm siêu âm tim, đo phế dung kế (kiểm tra chức năng phổi), chụp CT-Scan ngực… để xác định anh có bị tổn thương các cơ quan nào khác ngoài khớp và da. May mắn, anh N. chưa gặp biến chứng lên nhiều cơ
quan nên việc điều trị cho anh N. theo đúng phác đồ của bệnh xơ cứng bì toàn thể”.

BS.CK1 Huỳnh Thị Thùy Trang, Phó khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trò chuyện với anh N.
Sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe của anh N. dần hồi phục, anh đã đi lại dễ dàng, ăn uống bình thường. Sau đó, anh N. được xuất viện và hẹn lịch tái khám.

Anh N. đi đứng bình thường sau 1 tuần được điều trị
Xơ cứng bì toàn thể là bệnh lý tự miễn, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng da dày và cứng. Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn chức năng mạch máu lan rộng, xơ hóa tiến triển của da và nội tạng. Đây là bệnh hiếm gặp, tần suất mắc phải trên toàn cầu là khoảng 8 – 56 trường hợp trên 1 triệu người mỗi năm. ThS – BS.CK2 Dương Minh Trí, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết thêm: “Bệnh hiếm này có thể ảnh hưởng lên da, khớp, mạch máu ở chi, đường tiêu hóa, phổi, tim mạch, thận, thần kinh cơ, hệ sinh dục. Nguy cơ tử vong gấp 4 lần so với người bình thường”. Việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời bệnh xơ cứng bì toàn thể sẽ giúp người bệnh phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Để hạn chế các biến chứng và phòng ngừa bệnh xơ cứng bì, chúng ta cần xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao. Điều này giúp máu lưu thông dễ dàng, giảm tình trạng xơ cứng da. Ngoài ra, không hút thuốc lá vì chất Nicotine có trong thuốc lá sẽ làm co mạch máu, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Hút thuốc lá còn khiến các mạch máu bị hẹp vĩnh viễn, làm trầm trọng các vấn đề ở phổi. Nên bảo vệ da bằng kem dưỡng, kem chống nắng, tránh tắm nước quá nóng hay dùng các loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh. Đồng thời, đeo găng tay để bảo vệ da khỏi thời tiết lạnh, ngay cả khi sử dụng tủ lạnh. Nếu cần ra ngoài khi thời tiết lạnh, hãy che phủ mặt và đầu cẩn thận. Còn về chế độ dinh dưỡng, nên hạn chế ăn mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra việc chẩn đoán sớm bệnh cũng như tiếp cận BS chuyên khoa sâu nội cơ xương khớp sẽ có giúp cho tình trạng bệnh ổn định, phòng ngừa và tránh biến chứng nguy hiểm về sau.