
CUNG CẤP KIẾN THỨC VÀ NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ BỆNH THẬN
Sáng Chủ nhật, ngày 30/3, tại Hội trường B, khoa Dinh dưỡng và khoa Nội tiết – Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tổ chức buổi sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh thận với chủ đề “Làm sao để bảo vệ, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh thận”. Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày Thận thế giới năm 2025 với thông điệp “Thận của bạn có khỏe không? Phát hiện sớm và bảo vệ sức khỏe thận”. Tham dự chương trình có sự góp mặt của BS.CK2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BS.CK2 Bùi Thị Ngọc Yến, Phó trưởng khoa Nội tiết – Thận, cùng hơn 100 người bệnh và thân nhân.
Bệnh thận mạn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng với tỷ lệ mắc cao, ảnh hưởng đến khoảng 13% dân số. Tuy nhiên, do diễn tiến âm thầm, bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng. Chính vì vậy, buổi sinh hoạt được tổ chức nhằm giúp người bệnh nâng cao nhận thức, hiểu rõ các biện pháp phòng ngừa cũng như tầm quan trọng của việc phát hiện bệnh từ sớm.
Trong chương trình, các bác sĩ đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích thông qua 3 bài báo cáo chuyên đề. Mở đầu, BS Phạm Thị Thúy Dương trình bày về “Nên ăn uống như thế nào để thận khỏe và phòng ngừa bệnh thận”. Theo đó, một chế độ ăn uống khoa học, hạn chế muối, đạm động vật, đường và chất béo xấu, đồng thời tăng cường rau xanh, trái cây và uống đủ nước sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận.
Tiếp nối chương trình, ThS.BS Trần Mai Hồng Ngọc mang đến chuyên đề “Các dấu hiệu nào gợi ý bạn đang mắc bệnh thận”. Bài báo cáo nhấn mạnh rằng, bệnh thận giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng rõ rệt. Một số dấu hiệu cần lưu ý bao gồm phù nề, tiểu ít, nước tiểu có bọt, mệt mỏi kéo dài và huyết áp tăng. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu này có thể giúp người bệnh chủ động kiểm tra và điều trị kịp thời.
Kết thúc buổi sinh hoạt, BS.CK2 Bùi Thị Ngọc Yến và BS Vũ Thị Kim Ngọc báo cáo về “Vì sao phải phát hiện bệnh thận từ giai đoạn sớm? Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh thận?”. Theo các bác sĩ, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng, buộc người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Do đó, tầm soát định kỳ bằng xét nghiệm máu và nước tiểu là giải pháp quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh thận ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Tham gia buổi sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh thận, cô Ngô Thị Bạch, ngụ phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM chia sẻ cảm xúc của mình: “Thật sự, tôi rất vui khi được tham gia chương trình hôm nay. Không chỉ được các bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống và cách phòng ngừa bệnh thận, tôi còn được kiểm tra sức khỏe ngay tại chỗ, bao gồm đo huyết áp và kiểm tra chỉ số Inbody. Điều này giúp tôi hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có thể điều chỉnh lại thói quen sống sao cho phù hợp. Những thông tin hữu ích từ các bác sĩ đã giúp tôi nhận thức được rằng bệnh thận có thể âm thầm tiến triển mà không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy việc phát hiện sớm là rất quan trọng. Tôi sẽ chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện hằng ngày và kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ thận của mình. Cảm ơn Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tổ chức chương trình ý nghĩa này!”
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh thận do khoa Dinh dưỡng và khoa Nội tiết – Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức không chỉ cung cấp kiến thức khoa học mà còn giúp người bệnh thận và thân nhân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh thận. Sự liên kết giữa 3 bài báo cáo đã tạo nên bức tranh toàn diện, từ chế độ dinh dưỡng, dấu hiệu nhận biết đến tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh. Qua chương trình, người bệnh và thân nhân đều có thêm động lực để chủ động bảo vệ sức khỏe thận, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ người bệnh trong thời gian tới.
#benhviennhandangiadinh #nhandangiadinhhospital
#khoadinhduong #khoanoitietthan #benhthan #caulacbonguoibenh














