40 loại thuốc mới ra đời, điều trị đái tháo đường vẫn chưa đạt mục tiêu
Sáng 13/7, buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Chiến dịch nâng cao nhận thức về đái tháo đường” tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã đề cập đến nhiều vấn đề cần quan tâm trong điều trị đái tháo đường và mối liên quan giữa bệnh này với bệnh lý tim mạch.
Buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Chiến dịch nâng cao nhận thức về đái tháo đường” tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Hiện nay, số người bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Do đó, việc đưa ra các chiến lược kiểm soát các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời và quản lý bệnh đái tháo đường phù hợp, hiệu quả nhất cho người bệnh là điều rất cần thiết.
Với bài báo cáo “Đường huyết cao, biến chứng nhiều“, BS.CK2 Lê Nguyễn Thụy Khương – Trưởng khoa Nội Tiết thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định đưa ra bức tranh tổng quan về tình hình điều trị bệnh ĐTĐ hiện nay.
Trong đó, một thông tin đáng chú ý là những năm gần đây thuốc ĐTĐ mới ra đời rất nhiều (cả thuốc uống và thuốc chích), có đến 40 loại thuốc điều trị ĐTĐ2 được phê duyệt từ 2005 đến nay nhưng vấn đề kiểm soát HbA1c vẫn chưa đạt yêu cầu.
HbA1c cao dẫn tới tiến triển các biến chứng. Chỉ số này là một yếu tố dự báo các bệnh tim mạch nghiêm trọng, đột quỵ và tử vong. Để làm giảm nguy cơ tim mạch, kiểm soát đa yếu tố nguy cơ được nhấn mạnh nhưng kiểm soát đường huyết vẫn được xem là yếu tố quan trọng nhất.
BS.CK2 Lê Nguyễn Thụy Khương – Trưởng khoa Nội Tiết thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Để điều trị tốt cho người bệnh ĐTĐ, theo BS Khương cần phải đặt bệnh nhân làm trung tâm, tối ưu điều trị ngay từ đầu (ngay từ mới phát hiện). Lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường dựa trên các tiêu chí A-B-C-D-E:
A- Hiệu quả HbA1c < 7%
B- An toàn/trung tính trên cân nặng
C- Kiểm soát biến chứng và các bệnh đồng mắc của bệnh nhân
D- Tuân thủ dài hạn
E- Kinh tế
Thuốc Sus thế hệ mới – Gliclazide MR nằm trong danh mục thuốc thiết yếu (BYT-WHO) là lựa chọn phù hợp đáp ứng các tiêu chí lựa chọn thuốc A-B-C-D-E nêu trên.
BS.CK2 Nguyễn Quang Trung – Phó trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định
“Đái tháo đường và Bệnh lý tim mạch góc nhìn từ thực tế đến nghiên cứu lâm sàng” là chuyên đề do BS.CK2 Nguyễn Quang Trung – Phó trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định trình bày.
BS.CK2 Nguyễn Quang Trung cho biết bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật đặc biệt ở những người có rối loạn đường huyết hay ĐTĐ.
ĐTĐ sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch từ 2-4 lần, nguyên nhân tim mạch chiếm 75% tử vong ở người mắc ĐTĐ. Đường huyết càng tăng, sự dao động đường huyết càng cao, nguy cơ tử vong sẽ càng cao. Mối tương quan giữa ĐTĐ và các bệnh lý tim mạch là mối quan hệ tương hỗ, kiểm soát đường huyết là một trong những yếu tố giúp cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sống lâu hơn.
PGS.TS.BS Hoàng Quốc Hòa, Nguyên giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Buổi sinh hoạt khoa học còn có sự tham dự của một người thầy lớn là PGS.TS.BS Hoàng Quốc Hòa, Trưởng tiểu ban Tân dược Hội đồng y đức quốc gia – Bộ Y tế, Nguyên giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Sau khi cùng các bác sĩ tại hội trường điểm lại “9 biến chứng từ đầu đến chân” của bệnh ĐTĐ, PGS Hoàng Quốc Hòa đã có bài tham luận về 9 thay đổi của guidelines ADA mới nhất.
Lắng nghe các bài báo cáo, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định đưa ra 3 vấn đề mà các bác sĩ đều quan tâm. Thứ nhất, cần có mục tiêu HbA1c trên từng đối tượng như thế nào, đối tượng nào có thể để cao một chút, đối tượng nào có thể để thấp một chút?
Thứ hai, thuốc SUs sẽ làm giảm HbA1c trong giai đoạn đầu nhưng một thời gian sau sẽ tăng trở lại, vấn đề này có gặp ở nhóm Gliclazide hay không?
Thứ ba, với bệnh nhân ĐTĐ bác sĩ ít khi tăng liều thuốc, trong khi đó đối với bệnh nhân suy tim thì có mốc rất rõ (VD: 2 tuần tăng liều thuốc 1 lần dựa trên mạch và huyết áp…). Còn đối với ĐTĐ, tâm lý của bác sĩ và cả người bệnh khi thấy đường huyết cao cứ nghĩ do kiểm soát ăn uống chưa tốt, do đó cả bác sĩ và bệnh nhân đều không muốn tăng liều thuốc. Vấn đề này nên giải quyết thế nào?…
Bên cạnh đó, mối quan tâm của các bác sĩ không phải chuyên khoa Nội tiết là khi nào cần phối hợp thuốc: trong quá trình điều trị thì 3-6 tháng cho bệnh nhân thử HbA1c, nếu thấy HbA1c tăng thì nên phối hợp thuốc chưa, thử HbA1c lần thứ mấy thì quyết định phối hợp thuốc…
Các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến: bác sĩ Nội tổng quát điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ sau 3-6 tháng mà thử HbA1c không giảm tới mức mục tiêu thì nên chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa Nội tiết.
Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chủ tọa và báo cáo viên tham dự buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Chiến dịch nâng cao nhận thức về đái tháo đường” sáng 13/7/2023
Kết thúc chương trình, TS.BS Võ Hồng Minh Công – Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định đánh giá 2 bài báo hôm nay là 2 chủ đề hay và thường gặp trên lâm sàng. Người bệnh ĐTĐ nên được chẩn đoán sớm, khuyến cáo nên tầm soát ở 35 tuổi trở lên.
Điều trị bao gồm thay đổi lối sống và dùng thuốc để giúp HbA1c đạt được mục tiêu, tuy nhiên mục tiêu này có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào từng cá thể. Sự phối hợp thuốc tùy vào bệnh nền của bệnh nhân, cần theo dõi để lựa chọn thời điểm phối hợp thuốc để điều trị đạt được mục tiêu và hạn chế biến chứng của ĐTĐ.