
Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh Đái tháo đường trên thế giới có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất thế giới. Tại Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh rối loạn được đặc trưng bởi tăng nồng
độ glucose máu mạn tính cùng với rối loạn carbohydrate, protein, lipid do giảm bài tiết
insulin, giảm khả năng hoạt động của insulin hoặc cả hai. Đái tháo đường gây tổn thương,rối loạn, suy giảm của nhiều cơ quan. Hậu quả lâu dài của các rối loạn chuyển hoá nàylà tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn ở người bệnh ĐTĐ. Do đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý để nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể kiểm soát đường huyết, duy trì cân nặng lý tưởng, ngăn ngừa diễn tiến và biến chứng.
Áp dụng chương trình dinh dưỡng điều trị tốt có thể giúp giảm HbA1c 1-1.9% ở người bệnh đái tháo đường típ 1 và giảm 0.3-2% ở người bệnh đái tháo đường típ 2.

Người bệnh đái tháo đường nên lựa chọn thực phẩm và cách ăn uống như thế nào?
Nhóm bột đường (Glucid):
Hạn chế các loại đường đơn: đường cát, đường phèn, đường thốt nốt, đường mía, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, nước trái cây ép,…
Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nếu ăn các loại này thì cần giảm hoặc cắt cơm,
Ưu tiên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp-trung bình (GI < 55; GI 56-69), hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI ≥ 70)

Nhóm đạm (Protid):
Ưu tiên đạm từ trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa, nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da… được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.
Hạn chế ăn các loại thịt nguội chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói….
Nhóm chất béo (Lipid):
Ưu tiên các sản phẩm có nhiều chất béo không bão hòa (như dầu thực vật, dầu cá)
Hạn chế chất béo bão hòa và các chất béo trans (chất béo động vật, thức ăn chế biến sẵn ở nhiệt độ cao).
Nhóm rau và chất xơ: nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, salad.
- Nên ăn các loại rau xanh như: Cải bó xôi, cải xoăn, các loại rau, măng tây …
- Không nên hay hạn chế ăn các loại rau củ như: Củ cải đường, đậu hà lan ….
- Trái cây: cung cấp các chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, chất xơ
- Cần tăng cường ăn trái cây tươi như: Bưởi, cam, quýt, táo, lê, nho xanh, thanh long, ổi, mận, dâu…
- Hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: Dưa hấu, chà là, nhãn vải, xoài chín, sầu riêng… Các loại trái cây sấy khô, đóng hộp.
Cách chế biến thực phẩm
- Hạn chế món rán, các loại mỡ động vật, thịt gà ăn nên bỏ da
- Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng
- Chế biến thực phẩm dưới dạng luộc hầm
- Hạn chế sử dụng các loại nước ép, xay sinh tố nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ
Cách phân bố bữa ăn trong ngày:
- Nên duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày
- Số lượng chất bột đường trong các bữa ăn nên ổn định
- Bữa ăn phụ: bổ sung 1-3 bữa ăn phụ cho một số đối tượng đặc biệt (suy dinh dưỡng, mang thai, tập luyện thể lực nặng-kéo dài, sử dụng Insulin có nguy cơ hạ đường huyết, ăn qua ống thông…)
- Cách chọn thực phẩm cho bữa phụ:
- Không sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết cao
- Ưu tiên bữa ăn phụ giàu đạm- giàu chất xơ -ít tinh bột: trứng luộc, rau, sữa-bánh-ngũ cốc chuyên biệt cho người đái tháo đường
- Thời điểm dùng bữa phụ:
- Nếu có thói quen dậy sớm tập thể dục: nên dùng bữa ăn phụ lúc mới ngủ dậy
- Nếu có nguy cơ hạ đường huyết về đêm: bữa phụ nên sau ăn tối 1-2 giờ
Cách ăn: ăn chậm, nhai kĩ. Trong bữa ăn nên ăn rau trước và ăn tinh bột cuối bữa ăn.