Phối hợp liên viện cứu sống nam thanh niên đột tử ngoại viện tưởng chừng đã chết não
Anh Cao V.H, 46 tuổi, quê Thanh Hóa, vào thành phố Hồ Chí Minh làm thợ xây dựng tại một công trình ở quận Gò Vấp. Sáng ngày 05.06.2024, khi đang ngồi uống cà phê sáng với đồng nghiệp, anh H. đột ngột ngã lăn xuống đất và ngừng thở. Sau 5 phút lay gọi không tỉnh, anh H. được các đồng nghiệp chở bằng xe máy đến Bệnh viện quận Gò Vấp để cấp cứu. Sau 10 phút đến được Bệnh viện Gò Vấp, bệnh nhân được tiếp nhận với tình trạng mạch và huyết áp không đo được. Anh H. được hồi sức ngừng tim và sốc điện chuyển nhịp liên tục trong 30 phút. Mặc dù đã hồi phục tuần hoàn tự nhiên, nhưng các bác sĩ đánh giá anh H. có nguy cơ cao chết não với đồng tử hai bên đều dãn. Sau khi giải thích với thân nhân quyết định tiếp tục hồi sức đến cùng, mặc dù với hi vọng rất mong manh, anh H. được liên hệ và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Anh H. được tiếp nhận tại Khoa Hồi sức tim mạch – Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng toan chuyển hóa rất nặng, phù phổi cấp và tổn thương cơ tim gây suy tim nặng do ngừng tim kéo dài. Ths.BS Nguyễn Thanh Thảo, bác sĩ điều trị chính của bệnh nhân cho biết “trong tình huống đó, anh H. được can thiệp hạ thân nhiệt trung tâm để bảo vệ não không bị tổn thương nặng hơn, tiến hành oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức lai ghép (V-AV ECMO) và lọc máu liên tục điều chỉnh suy chức năng thận đi kèm. Sau 1 tuần can thiệp hồi sức chuyên sâu, chức năng co bóp cơ tim của anh H. hồi phục gần như hoàn toàn, tổn thương phổi sau ngừng tim cải thiện đáng kể. Anh H. được ngừng can thiệp ECMO sau 10 ngày và chức năng não bắt đầu có tín hiệu hồi phục muộn hơn sau 2 tuần”.
Bác sĩ thăm khám tình trạng của người bệnh
ThS.BS Giang Minh Nhật, phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, cung cấp thêm thông tin “với qui trình quản lý toàn diện bệnh nhân đột tử do ngừng tim ngoại viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được khảo sát nguyên nhân ngừng tim bằng phối hợp nhiều phương thức như xét nghiệm sinh hóa tầm soát yếu tố nguy cơ tim mạch, theo dõi điện tim liên tục kéo dài, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, cộng hưởng từ tim, khảo sát tính di truyền đột tử trong phả hệ, và tầm soát đột biến gene liên quan đột tử. Kết quả các xét nghiệm cho thấy anh H. có đột biến lệch khung gene trội titin TTN trên nhiễm sắc thể thường. Gene TTN là gene mã hóa một loại protein quan trọng cấu thành cơ tim và hoạt động co cơ tim. Đột biến gene TTN gần đây được quan tâm nhiều trong y văn, là nguyên nhân gây đột tử trong các bệnh cơ tim”. Với kết quả đột biến gene gây bệnh rõ, anh H. được lên kế hoạch cấy máy phá rung trong tim để ngăn ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất trong tương lai, đồng thời, 3 người con ruột của anh cũng được các bác sĩ tham vấn di truyền và đưa ra chiến lược theo tim mạch dõi dài hạn ngừa đột tử gia
đình.
Sau 1 tháng nằm viện, trải qua biến cố thập tử nhất sinh, với những giai đoạn tưởng chừng không qua khỏi, anh H. đã được xuất viện trong niềm vui của tất cả nhân viên y tế Khoa Hồi sức tim mạch và cả gia đình.
Bác sĩ và điều dưỡng đến thăm người bệnh trước khi xuất viện
Để ngăn ngừa đột tử do tim mạch, lời khuyên quan trọng nhất của các bác sĩ tim mạch là chúng ta phải hiểu và biết cách theo dõi sức khỏe bản thân mình. Đối với người có tiền căn thành viên trong gia đình có biến cố tim mạch xuất hiện sớm (đột tử không rõ nguyên nhân, nhồi máu cơ tim người trẻ, nhồi máu não người trẻ…), việc khám và đánh giá tim mạch chuyên sâu là cần thiết. Bên cạnh đó, tất cả người trên 30 tuổi nên có thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch.