
CÁCH NHẬN BIẾT VÀ XỬ LÝ KHI TIẾP XÚC VỚI DỊCH TIẾT CỦA KIẾN BA KHOANG
Kiến ba khoang là một loại côn trùng nhỏ thuộc họ bọ cánh cứng, có tên khoa học là Paederus. Mặc dù tên là “kiến” nhưng nó không phải là kiến thật mà là một loài bọ. Do đó, nó có thể bay được.
Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh đèn, thường sống ở những nơi ẩm ướt, rậm rạp như:
- Ruộng lúa, bãi cỏ, bụi rậm
- Vườn cây, vùng đất gần sông suối hoặc ao hồ
- Các nơi có ánh sáng vào ban đêm
Trong mùa mưa hoặc khi thời tiết ẩm, chúng dễ bay vào nhà, đặc biệt ở khu vực gần đồng ruộng hoặc cây cối. Ban đêm, kiến ba khoang thường bay vào nhà do bị ánh đèn thu hút. Những năm gần đây, kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu dân cư, chung cư, tòa nhà cao tầng… khiến người dân khổ sở, khó chịu.

Kiến ba khoang có nguy hiểm không?
Kiến ba khoang gây nguy hiểm cho da người dù chúng không cắn đốt. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin (độc tố sản xuất bởi vi khuẩn Pseudomonas trong huyết tương) cực mạnh. Hầu như bất kỳ ai tiếp xúc với chất độc này cũng đều bị nguy hiểm. Khi chúng ta đập, chà xát con kiến lên da, chất độc sẽ thấm vào da và gây viêm da, bỏng rát, nổi mụn nước, ngứa rát dữ dội, loét. Nếu không xử lý đúng cách thì có thể bị nhiễm trùng, để lại sẹo hoặc lây lan sang vùng da khác.
Dấu hiệu nhận biết khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang
Vị trí tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Đầu tiên, vùng da bị dính dịch tiết xuất hiện cảm giác nóng, đau rát, ngứa ngáy, khó chịu, một số người có thể nổi hạch, sốt, đau đầu…
- Sau đó, khoảng vài tiếng hay đến 24 – 48 tiếng sau sẽ xuất hiện mảng màu đỏ, sau đó sưng, phồng rộp tạo thành mụn nước, bóng nước.
- Nếu chúng ta chăm sóc vết thương không kỹ hoặc chúng ta cào gãi thì vết thương sẽ bị nhiễm trùng, từ đó xuất hiện những đặc điểm như là mụn nước, bóng nước sẽ chuyển thành mụn mủ và bóng mủ gây lở loét.
- Nếu dùng tay cào gãi sẽ tiếp xúc lên những vùng da khác trên cơ thể thì ở những vùng da đó cũng sẽ xuất hiện tình trạng tương tự.
Cách xử lý khi phát hiện kiến ba khoang trên da
Đầu tiên, không được đập kiến. Chúng ta nên dùng một vật dụng để có thể phủi hoặc đẩy chúng ra khỏi cơ thể của chúng ta. Mục đích là để cho kiến đừng bị chết hoặc bị đập dẹt thì dịch tiết của chúng sẽ tiếp xúc trên da, quần áo hoặc những vật dụng khác. Từ đó, có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Khi dùng chung các vật dụng cá nhân, viêm da có nguy cơ lây nhiễm chất độc qua những người khác trong gia đình.
Cách chăm sóc vết thương do kiến ba khoang
Bước 1: Chúng ta phải loại bỏ dịch tiết của kiến ba khoang ra khỏi vùng da bằng cách rửa sạch dịch tiết dưới vòi nước để làm giảm độc tố trên da, đồng thời làm giảm lây lan nhiễm độc tố sang vị trí trên da khác và cho người khác.
Bước 2: Nếu thấy xuất hiện những đường hồng ban, mụn nước, bóng nước thì chúng ta dùng nước muối sinh lý hay Milian để giúp kiểm soát tình trạng nhiễm trùng tại chỗ. Nếu mụn nước, bóng nước chuyển thành những mụn mủ, bóng mủ, tức là có tình trạng nhiễm trùng thì có thể sử dụng những loại kháng sinh thoa tại chỗ. Nếu sang thương lan rộng hay có những triệu chứng như sốt, đau đầu, viêm hạch thì chúng ta nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa da liễu điều trị phù hợp nhất.
Nếu để vết thương kiến ba khoang quá lâu sẽ gây ra nhiều biến chứng bao gồm: nhiễm trùng, loét, tăng sắc tố sau viêm, sẹo…
Cách phòng ngừa kiến ba khoang
1. Kiến ba khoang rất thích ánh sáng của đèn trắng. Do đó, xung quanh ánh đèn, kiến ba khoang sẽ tập trung rất nhiều. Vì vậy, chúng ta có thể thay những loại đèn ánh sáng trắng bằng đèn ánh sáng huỳnh quang hay không ngồi gần những ánh đèn đó hoặc tắt bớt đèn nếu chúng ta không có nhu cầu sử dụng.
2. Nên mặc đồ bảo hộ như: Nón, khẩu trang, quần áo tay dài và giày bố khi đến những khu vực đồng ruộng hoặc cỏ nhiều.
3. Nên gắn lưới mắt xích rất nhỏ để đuổi côn trùng ở cửa chính và cửa sổ để hạn chế kiến ba khoang bay vào. Tối ngủ nên đóng cửa sổ.
4. Hạn chế phơi đồ qua đêm để tránh kiến ba khoang đậu lên quần áo.
5. Trước khi mặc quần áo, chúng ta phải giũ thật mạnh để kiến ba khoang bay khỏi.
6. Trước khi đi ngủ, nên rủ mền, ga trải giường và gối để kiểm tra có con vật lạ nào không.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm của kiến ba khoang, dấu hiệu khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang và cách phòng ngừa loài kiến này tối ưu cho mọi gia đình. Nếu có những triệu chứng trên da như: xuất hiện mảng màu đỏ, sau đó sưng, phồng rộp tạo thành mụn nước, bóng nước, cảm thấy đau đớn, khó chịu kéo dài thì cần gặp ngay bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da để được chẩn đoán, điều trị, hạn chế nguy cơ sẹo hoặc nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý đắp lá cây, thuốc dân gian.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có thể đến phòng khám Da liễu – Tạo hình thẩm mỹ để được thăm khám, chẩn đoán chính xác, kịp thời.
Phòng khám Da liễu – Tạo hình thẩm mỹ 219, lầu 2, khoa Khám bệnh
Điện thoại: 02838412692, bấm tiếp số 628
Tài liệu tham khảo
- https://dermnetnz.org/topics/paederus-dermatitis
- https://www.aocd.org/page/PaederusDermatitis
- https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3225135/
- https://ijdvl.com/paederus-dermatitis-2/
Bài viết được thực hiện bởi BS.CK1 Đào Trọng Nghĩa, Chuyên khoa Da liễu