DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BẠCH HẦU VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
- Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do chủng vi khuẩn có tên Corynebacteria diphtheriae gây ra, tạo ra độc tố. Nó có thể dẫn đến khó thở, các vấn đề về nhịp tim và thậm chí tử vong.
Năm 2015, trên toàn thế giới đã có 4,500 ca được ghi nhận
Năm 2020 khu vực miền Tây Nguyên có 172 trường hợp bệnh bạch hầu, miền Trung 22 ca, miền Nam 04 ca. Độ tuổi mắc bệnh từ 3 tháng tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi.
- Các đường lây truyền
Vi khuẩn bạch hầu lây lan từ người này sang người khác, thường qua các giọt bắn như khi ho hoặc hắt hơi. Mọi người cũng có thể bị bệnh khi chạm vào dịch tiết của người bệnh (vết loét ở da, miệng). Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:
Những người trong cùng một gia đình
Người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với người bệnh
Người tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ vị trí nghi ngờ nhiễm trùng (ví dụ: miệng, da) của bệnh nhân
Nhiễm bệnh gián tiếp cũng có thể xảy ra, khi một bệnh nhân chạm vào một vật hoặc bề mặt, có thể để lại vi khuẩn vẫn hoạt động
- Cách nhận biết bệnh
Các triệu chứng của bạch hầu thường bắt đầu từ hai đến bảy ngày sau khi nhiễm bệnh, bao gồm sốt 38 °C (100.4 °F) hoặc hơn; ớn lạnh; mệt mỏi; da tím tái; đau họng; khan tiếng; ho; nhức đầu; nuốt khó; nuốt đau; khó thở; thở nhanh; mũi hôi và chảy máu; và sưng hạch
Bạch hầu thanh quản:
- Bạch hầu thanh quản có thể dẫn đến sưng ở cổ và họng còn gọi là “cổ bò”. Sưng họng thường ảnh hưởng hô hấp nghiêm trọng, đặc trưng bởi tiếng ho khan, ran, thở rít, khàn giọng, và thở khó.
- Khám có giả mạc vùng họng. Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
- Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.
Giả mạc màu xám, kết dính, dày bao phủ quanh hạch amidan là dấu hiệu điển hình trong bạch hầu
Dấu hiệu cổ bò
Bạch hầu da: Vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm vào da, gây loét da. Tuy nhiên, nhiễm trùng da do bạch hầu hiếm khi dẫn đến bệnh nặng
Vết loét do bạch hầu trên chân
Biến chứng bệnh
Tắc nghẽn đường thở
Viêm cơ tim (tổn thương cơ tim)
Bệnh đa dây thần kinh (tổn thương dây thần kinh)
Suy thận
Đối với một số người, bệnh bạch hầu hô hấp có thể dẫn đến tử vong. Ngay cả khi được điều trị, cứ 10 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu hô hấp thì có khoảng 1 người tử vong. Nếu không điều trị, có tới một nửa số bệnh nhân có thể tử vong vì căn bệnh này.
- Cách phòng ngừa
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu nên dùng thuốc kháng sinh để ngăn họ khỏi bệnh
Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh, những người tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh bạch hầu nên được:
- Theo dõi khả năng mắc bệnh trong vòng 7 đến 10 ngày kể từ thời điểm họ tiếp xúc lần cuối
- Xét nghiệm bệnh bạch hầu bằng mẫu lấy từ mũi và họng
- Tiêm vắc xin tăng cường bệnh bạch hầu nếu họ không được vắc xin trước đó hoặc chưa chủng ngừa nhắc lại
- Vaccin
Hiện tại phòng tiêm chủng 133 lầu 1 của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có các loại vaccin phòng ngừa bệnh bạch hầu cho mọi lứa tuổi: Infanrix- hexa, hexaxim, Boostrix. Bên cạnh đó còn có nhiều loại vaccin phòng bệnh khác.
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/diphtheria
https://vi.wikipedia.org
Tình hình dịch bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống trọng tâm cục y tế dự phòng 2020