
Công bằng và bình đẳng trong dịch vụ phòng chống HIV/AIDS
HIV/AIDS vẫn luôn là một trong những thách thức y tế lớn trên toàn cầu, không chỉ đe dọa sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người. Nhằm hưởng ứng tinh thần của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (từ ngày 10/11 đến 10/12) và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), Việt Nam đã lựa chọn thông điệp: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Thông điệp năm nay lấy quyền con người làm trung tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền công bằng và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong việc phòng, chống HIV/AIDS.
HIV/AIDS tại Việt Nam
Tại Việt Nam, số người nhiễm HIV được phát hiện dưới 1000 ca mỗi năm với tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS dưới 1/100.000 dân và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Các nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và những người dễ bị tổn thương khác thường gặp khó khăn do sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ xã hội. Điều này không chỉ cản trở họ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và điều trị mà còn khiến họ ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết.
Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin chính thống và sự hạn chế trong khả năng tiếp cận dịch vụ y tế tiếp tục là những rào cản đáng kể trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Người dân ở vùng nông thôn, nhóm dân tộc thiểu số và những người có thu nhập thấp thường không đủ khả năng chi trả hoặc không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Những nỗ lực từ các cơ sở y tế
Trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, bệnh viện và cơ sở y tế đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và hỗ trợ người bệnh với các chương trình tư vấn tâm lý. Bệnh viện luôn nỗ lực trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo đảm quyền lợi của người bệnh, mang lại sự tôn trọng và công bằng cho tất cả mọi người dù họ là ai. Chỉ khi mỗi người đều được đảm bảo quyền lợi, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai chấm dứt HIV/AIDS để hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc.