Nỗi lo về những nguy cơ hút thuốc lá thụ động
Hiện nay, nhiều người không hút thuốc lá nhưng vẫn bị hút thuốc lá thụ động. Làm thế nào để tránh hút thuốc lá thụ động?
Nhiều người đi đường vẫn “vô tư” hút thuốc lá, xả khói thuốc vào những người xung quanh – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chị N.T.D., 40 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), kể dù không hút thuốc lá nhưng chị lại thường xuyên phải hút thuốc lá thụ động mỗi khi đi ra khỏi nhà.
Bước ra khỏi nhà đã hít phải khói thuốc
Trước nhà chị D. có một quán cà phê vỉa hè. Bước ra khỏi nhà, chị D. đã phải ngửi khói thuốc lá từ những khách hàng của quán cà phê này.
Khi dừng xe ở các ngã tư, chị D. cũng hay bị hít khói thuốc bởi những người vừa chạy xe vừa hút thuốc lá.
Những dịp đi ăn cùng công ty hay tiếp khách, dù trong phòng máy lạnh hay ngoài trời, một số người đi ăn cùng cũng “vô tư” hút thuốc lá…
Bác sĩ CKII Hồ Quốc Khải, phó trưởng khoa nội hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết hút thuốc lá thụ động là tình trạng hít phải khói thuốc từ môi trường xung quanh mà không trực tiếp hút thuốc.
Khói sinh ra từ điếu thuốc được chia thành bốn luồng khói.
Luồng khói thứ nhất được sinh ra từ đầu điếu thuốc đang cháy bốc khói nghi ngút trên tay người hút. Đây là luồng khói có nhiều độc chất nhất vì các sợi thuốc lá cháy không hoàn toàn.
Luồng khói thứ hai được sinh ra khi con người hút vào phổi. Đây là luồng khói chỉ có người hút bị tác hại nhưng luồng khói này ít độc hại nhất vì người hút tạo ra luồng gió giúp đốt cháy các sợi thuốc lá gần hoàn toàn tạo ra CO2 và hơi nước.
Luồng khói thứ ba do người hút nhả ra, đây là luồng khói có thể mang theo mầm bệnh nếu người hút có các bệnh truyền nhiễm như lao, sởi, cúm…
Luồng khói thứ tư là luồng khói lắng đọng, nghĩa là điếu thuốc được hút xong, không còn thấy làn khói bay bay nữa nhưng vẫn còn một luồng khói thuốc độc hại tồn tại trong môi trường. Đây là luồng khói tồn tại trong môi trường lâu nhất và lắng đọng sâu trong phổi nhất.
“Luồng khói thứ tư có thể bám vào tóc, quần áo, vật dụng mang đi nơi khác. Chẳng hạn như chúng ta không hút thuốc nhưng đến nơi làm việc chung với người hút thuốc sẽ bị khói thuốc bám vào người chúng ta, khi chúng ta về nhà tiếp xúc với con, với người thân thì con và người thân chúng ta cũng bị hút thuốc lá thụ động.
Tất cả những người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc lá được gọi là người hút thuốc lá thụ động”, bác sĩ Quốc Khải nhấn mạnh.
Khói thuốc thụ động chứa hơn 6.000 hóa chất độc hại
Bác sĩ Quốc Khải thông tin, người hút thuốc lá thụ động vẫn bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại trong khói, giống như người hút thuốc chủ động. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì khói thuốc thụ động chứa hơn 6.000 hóa chất độc hại và ít nhất 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Cụ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, hen suyễn và viêm tai giữa ở trẻ em. Làm chậm sự phát triển phổi, não bộ và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, lao phổi, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi, và các bệnh về đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người lớn.
Có nguy cơ sinh non, sẩy thai, thai nhẹ cân, và các vấn đề sức khỏe bẩm sinh ở trẻ với phụ nữ mang thai.
“Chúng ta cần mạnh dạn thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn hút thuốc lá thụ động, để bảo vệ chúng ta và người thân của chúng ta khỏi tác hại khói thuốc lá”, BS Quốc Khải khuyến cáo.
Một số giải pháp ngăn chặn hút thuốc lá thụ động
Thiết lập môi trường không khói thuốc như cấm hút thuốc tại nhà và xe hơi. Cụ thể không cho phép bất kỳ ai hút thuốc trong nhà hoặc xe hơi, kể cả khách đến thăm. Khói thuốc trong không gian kín có thể bám lại trong không khí và đồ vật, gây hại lâu dài.
Ủng hộ môi trường làm việc không khói thuốc, chọn nơi công cộng không khói thuốc. Bảo vệ trẻ em và người thân trong gia đình bằng cách tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, hỗ trợ người thân cai thuốc.
Chia sẻ thông tin về tác hại của hút thuốc lá thụ động với bạn bè, người thân, hoặc đồng nghiệp. Tham gia vào các hoạt động tuyên truyền do địa phương, trường học hoặc tổ chức y tế để lan tỏa thông điệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: Tuổi trẻ online