
HO GÀ: CĂN BỆNH ĐÁNG BÁO ĐỘNG NHƯNG CÓ THỂ PHÒNG NGỪA

1. Ho gà là gì?
Ho gà là bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh có mặt ở khắp nơi trên thế giới, thường gặp nhất ở trẻ em nhưng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả người lớn tuổi và những người có bệnh lý nền mạn tính.
Hiện nay, tỉ lệ mắc ho gà ở người lớn đang gia tăng, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và những đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm.
2. Bệnh ho gà lây truyền như thế nào?
Ho gà lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, giải phóng các giọt dịch tiết chứa vi khuẩn vào không khí.
- Nguồn lây nhiễm duy nhất là người bệnh.
- Bệnh có khả năng lây lan cao, đặc biệt trong không gian kín như gia đình, trường học.
- Tỉ lệ lây nhiễm cho những người tiếp xúc gần trong cùng gia đình có thể lên đến 90-100%.
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà
Tại Việt Nam, ho gà lưu hành rộng rãi và bùng phát theo chu kỳ 3-5 năm một lần. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản-phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ, làm tăng nguy cơ tử vong.
Theo số liệu từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại TP.HCM, số ca bệnh ho gà đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu ở trẻ chưa được tiêm vắc xin.
Đáng chú ý, thời gian gần đây đã có 3 trường hợp tử vong do ho gà ở các tỉnh Miền Đông Nam bộ:
- Tháng 12/2024: Một trẻ 2 tháng tuổi ở Bình Phước.
- Ngày 01/01/2025: Một bé gái 4 tuổi tại Đồng Nai.
- Ngày 15/02/2025: Một bé gái 7 tháng tuổi tại Bù Đăng, Bình Phước (ca thứ 6 ghi nhận tại địa phương này).
4. Biểu hiện của bệnh ho gà
Ở trẻ em (chưa tiêm vắc xin):
- Khởi đầu bằng các triệu chứng nhẹ như sổ mũi, hắt hơi, sốt nhẹ, ho khan.
- Sau khoảng 1-2 tuần, xuất hiện cơn ho kịch phát kéo dài, có thể gây tím tái, ngưng thở.
Ở người lớn:
Triệu chứng thường không điển hình:
- Ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm, nhưng ít có tiếng thở rít.
- Ít khạc đàm nhớt hơn so với trẻ em.
- Ói sau ho là triệu chứng thường gặp.
- Chỉ khoảng 50% trường hợp có triệu chứng viêm long hô hấp trên.
Xét nghiệm chẩn đoán:
- Phân lập vi khuẩn Bordetella pertussis từ dịch tiết đường hô hấp.
- Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp từ dịch mũi họng.
5. Tiêm vắc xin – Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
Tiêm vắc xin giúp cơ thể tạo kháng thể bảo vệ, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và hạn chế mức độ nghiêm trọng nếu mắc bệnh.
Các loại vắc xin ho gà phổ biến tại Việt Nam:
- DTaP (Diphtheria, Tetanus, Pertussis – Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà vô bào): Dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Tdap (Tetanus, Diphtheria, Pertussis – Uốn ván, Bạch hầu, Ho gà vô bào):
- Chứa lượng kháng nguyên ho gà thấp hơn DTaP.
- Dùng để tăng cường miễn dịch cho người lớn đã có miễn dịch từ liều tiêm chủng trước đó.
- Các sản phẩm phổ biến: Adacel, Boostrix.
Những đối tượng nên tiêm vắc xin ho gà:
✅ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
✅ Trẻ vị thành niên
✅ Phụ nữ mang thai
✅ Nhân viên y tế
✅ Người có bệnh lý mạn tính (bệnh phổi mạn tính, tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…)
✅ Người trên 65 tuổi
6. Lịch tiêm chủng khuyến cáo
- Trẻ em: Tiêm theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.
- Người lớn (bao gồm người có bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi):
- Tiêm nhắc lại vắc xin Td (Uốn ván – Bạch hầu) mỗi 10 năm.
- Nếu chưa từng tiêm Tdap, nên thay thế một liều Td bằng Tdap.
7. Phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc xin ho gà
- Phản ứng thông thường: Đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi (thường tự khỏi sau 1-2 ngày).
- Phản ứng nặng: Rất hiếm gặp.
Nhân viên y tế sẽ thực hiện khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm để đảm bảo an toàn cho người dân.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định – Điểm tiêm chủng tin cậy
Là bệnh viện đa khoa hạng I với chuyên môn kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhân dân Gia Định có đầy đủ các loại vắc xin phòng ho gà cho mọi đối tượng.
Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, hãy chủ động tiêm vắc xin ho gà tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngay hôm nay!
Bác sĩ Quách Thoại Mẫn, Khoa Nội Hô hấp
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Trần Hiển, Phạm Ngọc Đính, Vũ Sinh Nam và cộng sự. Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam. Hội Y học Dự phòng Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 2023.
- Bộ Y tế. Số ca mắc ho gà trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cập nhật ngày 03/05/2024.
- Sở Y tế TP.HCM. Gia tăng ca bệnh ho gà ở trẻ chưa được tiêm vắc xin. Cập nhật ngày 20/06/2024. https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/chuyen-muc/tphcm-gia-tang-ca-benh-ho-ga-o-tre-chua-duoc-tiem-vac-xin-cmobile2-70555.aspx
- Báo Tuổi Trẻ. Thêm bệnh nhi ở Bình Phước tử vong do bệnh ho gà. Cập nhật ngày 15/02/2025. https://tuoitre.vn/them-benh-nhi-o-binh-phuoc-tu-vong-do-benh-ho-ga-20250215195124156.htm
- Cục Y tế Dự phòng Việt Nam (VNCDC). Bệnh ho gà. Cập nhật ngày 24/06/2016. https://vncdc.gov.vn/benh-ho-ga-nd14504.html
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Cập nhật lịch tiêm vắc xin trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng. Cập nhật ngày 09/01/2024. Cập nhật lịch tiêm vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng