Nhận biết bệnh tay chân miệng
I. Định nghĩa:
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra.
Biểu hiện chính là sang thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay,lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi.
Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, nguồn lây chính là nước bọt, bóng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh
Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm
II. BIỂU HIỆN CỦA BỆNH
- Sốt, đau họng, biếng ăn.
- Bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
- Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình.
- Tiêu chảy, nôn ói.
- Dịch tễ: có tiếp xúc với trẻ mắc bệnh tương tự, đi nhà trẻ-mẫu giáo
* Chú ý thể không điển hình: chỉ loét miệng, sang thương da rất ít hay không rõ dạng bóng nước mà là dạng nước, hồng ban.
III. CÁC DẤU HIỆU NGUY HIỂM
Khi có các dấu hiệu sau, cần dưa trẻ đi khám ngay :
– Sốt cao >= 39 độ C
– Thở nhanh, khó thở
– Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều
– Đi loạng choạng
– Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
– Co giật, hôn mê
IV. XỬ TRÍ
– Dinh dưỡng đầy đủ theo độ tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục bú
– Hạ sốt khi trẻ sốt cao bằng Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần(mỗi 6 giờ)
– Vệ sinh răng miệng
– Nghỉ ngơi, tránh kích thích
– Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ
Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu như:
- Sốt cao >= 390c
- Thở nhanh, khó thỏ
- Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều
- Đi loạng choạng
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
- Co giật, hôn mê
V. PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC
- Vệ sinh cá nhân, rữa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày ở cả người chăm sóc trẻ và trẻ (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt)
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống : ăn chín, uống sôi
- Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rữa sạch sẽ trước khi sử dụng
- Thường xuyên lâu sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rữa thông thường
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh
- Cách ly trẻ bệnh trong tuần đầu tiên.