Hội nghị Khoa học Kỹ thuật thường niên 2023 – Bệnh viện Nhân dân Gia định: Nâng cao vai trò, vị thế của điều dưỡng trong công tác y tế
Sáng 28/7/2023, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức Hội nghị Khoa học Điều dưỡng, quy tụ hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng tham dự. Đây là một hoạt động nằm trong Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên năm 2023 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Năm 2023, Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên của Bệnh viện Nhân dân Gia Định diễn ra trong 2 ngày (28/7 và 29/7). Trong đó, Hội nghị Khoa học Điều dưỡng được tổ chức tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào ngày 28/7, thu hút hơn 200 người tham dự trực tiếp cùng 9 bài báo cáo hấp dẫn của báo cáo viên đến từ bệnh viện Nhân dân Gia Định, Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Hội nghị Khoa học Kỹ thuật sẽ tổ chức tại Khách sạn LOTTE SAIGON vào ngày 29/7 với 14 phiên và 77 bài báo cáo khoa học.
TS.BS Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhấn mạnh: “Điều dưỡng là một lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Vì vậy Bệnh viện Nhân dân Gia Định luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh tham gia nghiên cứu khoa học để tìm ra nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao nhằm nâng cao công tác chăm sóc người bệnh”.
Ông cho biết: “Trong các khoa thông thường, điều dưỡng chính là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất. Còn với khoa phòng nặng, vai trò của điều dưỡng chiếm đến 60-70% thành công của việc điều trị. Do đó, trong một hệ thống y tế nói chung, vai trò của người điều dưỡng vô cùng quan trọng. Vì vậy, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định sẽ đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thông qua đó, các điều dưỡng có thể đúc kết kinh nghiệm, nhận định vấn đề sâu sắc. Phong trào đào tạo nghiên cứu khoa học cũng là truyền thống của bệnh viện có từ xưa đến nay. Hội nghị này chính là một trong các minh chứng về phong trào nghiên cứu khoa học nói chung và người điều dưỡng nói riêng”.
Cũng nói về vai trò quan trọng của điều dưỡng trong công tác chăm sóc người bệnh, TS.ĐD Trần Thị Châu – Phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Điều dưỡng TPHCM cho biết: “Điều dưỡng không chỉ thực hiện những quy trình cần thiết, mà còn là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường tin cậy, chăm sóc tận tâm đối với người bệnh. Một trong các yêu cầu cốt lõi của điều dưỡng là đảm bảo sự an toàn và chất lượng trong chăm sóc”.
“Ngoài ra, không thể bỏ qua việc xử lý tình huống bất ngờ. Do đó, điều dưỡng phải được đào tạo để tự tin và chuyên nghiệp khi đối mặt với các trường hợp khó khăn, đảm bảo người bệnh nhận được sự chăm sóc tốt nhất”, TS.ĐD Trần Thị Châu chia sẻ thêm.
Cũng tại hội nghị này, TS.BS Võ Hồng Minh Công – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ: “Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, hoạt động dưới mô hình viện trường, từ năm 1975 đến nay, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã đào tạo ra rất nhiều nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho TPHCM và các tỉnh lân cận. Trong thời đại khoa học ngày càng phát triển, thời gian qua, bệnh viện đã có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng về điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Hội nghị Khoa học Điều dưỡng chính là kết tinh những thành quả trong hoạt động công tác nghiên cứu khoa học của các điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định”.
Hội nghị Khoa học Điều dưỡng có 09 bài báo cáo với chủ đề “Điều Dưỡng chúng ta – Tương lai chúng ta” mang nhiều nội dung phong phú, cung cấp những thông tin vô cùng thiết thực và bổ ích trong công tác chăm sóc người bệnh.
Với các chủ đề từ tư vấn chăm sóc sản phụ khoa đến cách tối ưu hóa trong trị liệu, các chủ đề hấp dẫn áp dụng có hiệu quả trong thực hành lâm sàng như “Liệu pháp âm nhạc trong phẫu thuật”, “Phục hồi chức năng từ xa cho người bệnh sau đột quỵ”, “Thử nghiệm đi bộ 2 phút và xác định khả năng hoạt động của người bệnh trong giai đoạn phục hồi bán cấp và mạn”, với các báo cáo viên nhiều kinh nghiệm trong thực hành và nghiên cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định, Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Nguồn ALOBACSI