LỜI KHUYÊN DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Người cao tuổi có nhiều thay đổi về sinh lý dẫn tới suy giảm khả năng dung nạp dinh dưỡng. Để phòng tránh các bệnh tật ở người cao tuổi liên quan đến tình trạng dinh dưỡng kém thì một chế độ ăn phù hợp, khoa học là hết sức cần thiết.
THAY ĐỔI SINH LÝ Ở NGƯỜI CAO TUỔI
- Ở người cao tuổi có sự giảm tổng hợp vitamin D, cùng với lượng canxi ăn vào không đủ, dẫn đến tình trạng suy giảm khối xương rất phổ biến ở người lớn tuổi
- Tình trạng mất khối cơ thường xảy ra mạnh từ tuổi 75, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra sớm hơn từ tuổi 65. Các nghiên cứu đã cho thấy có tình trạng giảm 3%-5% khối cơ bắp mỗi 10 năm sau tuổi 30.
- Ở người cao tuổi tình trạng rối loạn nước và điện giải cũng là vấn đề thường gặp, nguyên nhân chủ yếu là do giảm lượng dịch nhập, suy giảm chức năng thận hoặc một số loại thuốc ảnh hưởng đến điện giải trong cơ thể.
- Người cao tuổi thường giảm cảm giác thèm ăn, giảm khối cơ nhai, mất răng… làm giảm sức nhai, giảm tiết nước bọt và làm chậm tiêu hóa thức ăn.
- Dạ dày bị co nhỏ, giảm sức co bóp, giảm tiết dịch vị dẫn tới giảm hấp thu các chất dinh dưỡng
- Nhu động ruột giảm dễ gây táo bón, cảm giác đầy hơi, khó tiêu
NHU CẦU DINH DƯỠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
- Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Theo nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam đối với người cao tuổi, nhu cầu về năng lượng là từ 1700-1900 kcal/người/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp 68%, các chất béo cung cấp 18% và các chất đạm cung cấp 14% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Về chất đạm, nhu cầu Protein từ 60-70 gam/ ngày (100g thịt chứa khoảng 20g protein, 100g cá chứa khoảng 18g protein), trong đó đạm động vật chiếm 50%-60% tổng số protein. Người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu can xi như: Cá, tôm, cua (100 g tép chứa 910 mg can xi, 100 g cua chứa 5040 mg can xi). Nên bổ sung nguồn protein thực vật như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ vì các loại thực phẩm này ngoài cung cấp protein còn có nhiều chất xơ giúp thải lượng Cholesterol.
- Ở người cao tuổi dễ có khả năng mắc đái tháo đường do tình trạng giảm tiết insulin và tăng đề kháng insulin. Do đó trong chế độ ăn của người cao tuổi cần hạn chế lượng tinh bột, nhất là những thực phẩm có chỉ số đường cao, vị ngọt nhiều
- Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo. Dầu thực vật tốt với người có tăng huyết áp, không có Cholesterol và ít Acid béo bão hòa hơn mỡ động vật.
- Chế độ ăn của người cao tuổi cần được bổ sung chất xơ. Chất xơ có tác dụng kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, đồng thời cũng giúp làm giảm hấp thu Cholesterol. Các loại rau xanh hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả.
- Người cao tuổi thường giảm cảm giác khát, do đó cần nhắc nhở người cao tuổi uống đủ nước theo nhu cần và mức độ bệnh lý.
- Chế độ ăn cần có sự phong phú các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất.
- Mỗi ngày cần bổ sung vitamin D 600UI/ngày và cung cấp lượng Canxi khoảng 1000-1500mg/ngày để giúp làm tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi
NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THỰC ĐƠN CHO NGƯỜI CAO TUỔI
- Khẩu phần ăn cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu, đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng
- Cắt nhỏ thức ăn, chế biến thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa
- Nên chia làm nhiều bữa trong ngày, ví dụ 3 bữa chính và 1 đến 2 bữa phụ
- Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, ấm áp khi ăn
- Lựa chọn đường nuôi ăn thích hợp: đường miệng, ăn qua sonde hay nuôi ăn tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ.
- Phối hợp giữa dinh dưỡng đúng, đủ và chế độ vận động phù hợp, vừa sức sẽ giúp nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi
THỰC ĐƠN THAM KHẢO (chế độ 1770 Kcal cho người nặng 55kg – 60kg)