Phản Ứng Có Hại Nghi Ngờ Liên Quan Đến Vaccine Phòng Ngừa COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới như hiện nay, việc chủng ngừa với vaccine phòng ngừa COVID-19 đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi về tính an toàn của các vaccine hiện đang được chấp thuận và lưu hành vẫn đang là một vấn đề đối với ngành y tế nước ta. Trước tình hình đó, Tổ Thông tin Thuốc–Dược lâm sàng (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) đã lên kế hoạch thông tin về các phản ứng có hại (ADR) do liên quan đến vaccine phòng ngừa COVID-19 tới các khoa điều trị, khoa lâm sàng trong bệnh viện.
1. Vaxzevria (AstraZeneca)
Các phản ứng sau tiêm có thể gặp:
• Rất phổ biến (≥ 10%): Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh, sốt nhẹ.
• Phổ biến (1 đến dưới 10%): Sưng và đỏ tại vị trí tiêm, sốt ≥ 38°C.
• Có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ, thuyên tắc huyết khối, giảm tiểu cầu.
2. Comirnaty (Pfizer/BioNTech)
Các phản ứng sau tiêm có thể gặp:
• Rất phổ biến (≥ 10%): Đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau hoặc sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn với mũi thứ 2).
• Phổ biến (1 đến dưới 10%): Buồn nôn, mẩn đỏ vị trí tiêm.
• Không phổ biến (0,1 đến dưới 1%): Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm.
• Hiếm gặp (0,01% đến dưới 0,1%): Liệt mặt ngoại biên cấp tính.
3. Spikevax (Moderna)
Các phản ứng sau tiêm có thể gặp:
• Rất phổ biến (≥10%): Đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, cứng khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nổi hạch, sưng đỏ vị trí tiêm.
• Phổ biến (1 đến dưới 10%): Phát ban, mẩn đỏ, sưng chỗ tiêm, tiêu chảy.
• Không phổ biến (0,1 đến dưới 1%): Ngứa chỗ tiêm.
• Hiếm gặp (0,01 đến dưới 0,1%): Sưng mặt, liệt mặt ngoại biên cấp tính.
• Không rõ tần suất: Phản ứng phản vệ, quá mẫn, viêm cơ tim, viêm ngoại tâm mạc.
4. Vero Cell (Sinopharm)
Các phản ứng sau tiêm có thể gặp:
• Rất phổ biến (≥ 10%): Đau tại chỗ tiêm, đau đầu.
• Phổ biến (1 đến dưới 10%): Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa.
• Không phổ biến (0,1 đến dưới 1%): Chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, mẫn cảm.
• Hiếm gặp (0,01 đến dưới 0,1%): Hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng, nghẹt mũi, khô họng, cúm, đau chân tay, đánh trống ngực, đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, bệnh nhãn khoa, nổi hạch.
• Rất hiếm gặp (< 0,01%): Ớn lạnh, rối loạn vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý, chảy máu cam, kích ứng cổ họng, viêm amidan, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản, viêm dạ dày, đổi màu phân, mờ mắt, kích ứng mắt, đau tai, căng thẳng, tăng/hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.
• Không rõ tần suất: Phản ứng phản vệ.
5. Cách xử trí các ADR thường gặp
Phần lớn các triệu chứng của ADR thường gặp ở mức nhẹ–trung bình và thường hết sau vài ngày tiêm chủng. Có thể sử dụng thuốc hạ sốt trong trường hợp bệnh nhân sốt cao trên 38°C. Nếu có các dấu hiệu phản vệ hay sốc phản vệ, cần cho bệnh nhân nhập viện ngay lập tức.
6. Một số ADR cần chú ý
Huyết khối giảm tiểu cầu do vaccine COVID-19
Vaccine của AstraZeneca có thể làm tăng nguy cơ (rất nhỏ) xuất hiện biến cố huyết khối bất thường có liên quan tới giảm tiểu cầu. Nhiều trường hợp đã được ghi nhận do kháng thể kháng yếu tố 4 của tiểu cầu. Trong số các ca được báo cáo, tình trạng huyết khối thường xuất hiện tại những vị trí bất thường như xoang tĩnh mạch não, các mạch máu mạc treo tràng, và tại nhiều hơn 1 cơ quan.
Tại Hoa Kỳ, nguy cơ chung xuất hiện biến cố này sau khi tiêm vaccine của Janssen (vaccine có công nghệ tương tự vaccine của AstraZeneca) là 3,8 trường hợp và 0,57 ca tử vong/1 triệu liều. Đối với phụ nữ 30–49 tuổi, tỷ lệ xuất hiện biến cố có thể lên tới 9–10,6 trường hợp và 1,8–1,93 ca tử vong/1 triệu liều.
Các cơ quan quản lý tại Hoa Kỳ và châu Âu đã kết luận lợi ích của những vaccine này đối với cá nhân và toàn bộ người dân vượt trội so với những nguy cơ do các biến cố hiếm gặp gây ra. Tuy nhiên, người dân nên nắm được các thông tin liên quan và đến các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu, triệu chứng của tình trạng giảm tiểu cầu (đốm xuất huyết, bầm tím) hoặc biến chứng do huyết khối (khó thở, đau ngực, phù chi dưới, tình trạng đau nặng và kéo dài tại các vị trí như bụng, đầu, lưng…).
Viêm cơ tim, viêm ngoại tâm mạc
Chủ yếu xảy ra ở người trẻ và nam thanh thiếu niên sau khi được tiêm các vaccine mRNA (của Pfizer/BioNTech và Moderna). Các bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm cơ tim hoặc viêm ngoại tâm mạc sau khi tiêm mũi 1 các loại vaccine nói trên không nên tiếp tục tiêm mũi 2 với vaccine cùng loại. Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ tiến triển nặng do COVID-19, có thể tiếp tục với mũi 2 vaccine đó nếu đã hết hoàn toàn các triệu chứng trước đó. Các bệnh nhân từng mắc và khỏi bệnh viêm cơ tim hoặc viêm ngoại tâm mạc không liên quan đến vaccine COVID-19 vẫn có thể được tiêm vaccine mRNA.
Đa số các trường hợp xảy ra trong vòng tuần đầu tiên sau khi tiêm và thường xảy ra sau liều thứ 2 (độ tuổi trung vị khi xuất hiện ADR sau mũi 1 và mũi 2 lần lượt là 30 và 24). Với nam giới 12–29 tuổi, tỷ lệ ước tính là 41 ca/1 triệu người (sau liều thứ 2), tỷ lệ này ở nữ giới cùng độ tuổi là 4,2 ca/1 triệu người và ở nam giới ≥ 30 tuổi là 2,4 ca/1 triệu người. Đa số các trường hợp ở mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với điều trị cũng như nhanh cải thiện các triệu chứng. Nên cân nhắc nguy cơ viêm cơ tim ở người trẻ, thanh thiếu niên có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, đánh trống ngực sau khi tiêm vaccine mRNA
Hội chứng Guillain-Barre
Dữ liệu về tính an toàn cho thấy có khả năng có sự liên quan giữa các vaccine sử dụng vector adenovirus (của AstraZeneca và Janssen) và hội chứng Guillain-Barre (GB). Tại Hoa Kỳ, tính tới tháng 7/2021, có khoảng 9,8 ca báo cáo hội chứng GB/1 triệu liều vaccine, gấp khoảng 4 lần so với nguy cơ nền của dân số. Tuy vậy, trong số 35% ca bệnh nặng, chỉ có 1 bệnh nhân tử vong. Tại châu Âu, khoảng 4,5 trường hợp mắc hội chứng GB sau khi tiêm vaccine AstraZeneca đã được ghi nhận tính tới tháng 6/2021.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tại Hoa Kỳ và châu Âu đã khẳng định lợi ích vượt trội của các vaccine so với nguy cơ ADR. Bên cạnh các trường hợp nghi ngờ do vaccine, các trường hợp mắc hội chứng GB cũng đã được ghi nhận trên những bệnh nhân mắc COVID-19. Trong khi chờ thêm các dữ liệu bổ sung, những bệnh nhân có tiền sử mắc hội chứng GB nên được chủng ngừa với các vaccine không sử dụng adenovirus. Trong trường hợp chỉ có vaccine adenovirus, các bác sĩ cần cân nhắc giữa nguy cơ tiến triển nặng do COVID-19 và tiền sử hội chứng GB của bệnh nhân.
THÔNG TIN THUỐC – DƯỢC LÂM SÀNG
Tài liệu tham khảo
1. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hướng dẫn triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19.
2. Edwards KM, Orenstein WA. COVID-19: Vaccines to prevent SARS-CoV-2 infection. UpToDate. 17 Dec 2021. Accessed https://www.uptodate.com/contents/covid-19-vaccines-to-prevent-sars-cov-2-infection