Liệu pháp nội tiết giúp phụ nữ mãn kinh sống vui, sống khỏe
Mãn kinh là một sự kiện quan trọng và không thể tránh khỏi của phụ nữ. Đây là một cột mốc đánh dấu vòng đời sinh sản đã dừng lại. Bên cạnh đó cũng là thời điểm cơ thể người phụ nữ phải đối mặt với nhiều bệnh tật. Chính vì điều này, ngày 11/04/2024, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Làm sao để mãn kinh không còn là nỗi lo của phụ nữ”. Đây là cơ hội để các y bác sĩ cùng cập nhật, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nâng cao thể chất và tinh thần cho phụ nữ mãn kinh.
Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 – 6 lần so với trước mãn kinh
Tại đây, TS.BS Bùi Chí Thương – Trưởng Khối sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã có những chia sẻ thú vị và nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề “Mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cuộc sống phụ nữ”.
TS.BS Bùi Chí Thương cho biết: “Lão hóa vùng dưới đồi dẫn đến giải phóng gonadotropin không đồng bộ với sản xuất GnRH và suy giảm (LH) từ tuyến yên. Những thay đổi của hệ thần kinh trung ương này cùng với sự thay đổi của buồng trứng lão hóa, suy giảm sự trưởng thành của nang noãn, sản xuất nội tiết (inhibin B, AMH và estrogen) và rụng trứng. Điều này dẫn đến rối loạn trong chu kỳ.
Sau mãn kinh, buồng trứng bị cạn kiệt nang trứng, sản xuất oestradiol và inhibin B giảm, rụng trứng và kinh nguyệt không còn xảy ra nữa. Từ đó, mất khả năng đáp ứng của buồng trứng với FSH và LH, đồng thời mất phản hồi tiêu cực của oestradiol và inhibin B trên đơn vị vùng dưới đồi-tuyến yên, dẫn đến tăng sản xuất và giải phóng GnRH, FSH và LH. FSH tăng là đặc điểm đặc biệt của thời kỳ hậu mãn kinh”.
Mãn kinh không xảy ra đột ngột mà đã có triệu chứng tiền mãn kinh từ vài năm trước như kinh nguyệt trồi sụt thất thường hoặc 2 tháng mới có kinh một lần.
Tuổi thọ ngày nay ở Việt Nam và cả thế giới đã tăng lên, phụ nữ có tuổi thọ 70 – 80 tuổi. Dù tuổi thọ tăng nhưng gần 100 năm nay độ tuổi mãn kinh vẫn từ 50 tuổi. Như vậy, khoảng 30 năm sau khi mãn kinh người phụ nữ phải chống chọi với nhiều bệnh tật có thể xảy ra.
Sụt giảm estrogen dẫn đến các triệu chứng mãn kinh khó chịu như: bốc hỏa, đổ mồ hôi (đặc biệt là ban đêm), mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tâm lý; Ở giai đoạn tiếp theo người phụ nữ có thể bị khô teo âm đạo, đau khi giao hợp, da khô, són tiểu; Giai đoạn lớn tuổi hơn sẽ có các vấn đề loãng xương, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim mạch, quan trọng nhất là bệnh Alzheimer,… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Không phải tất cả triệu chứng mãn kinh đều giống nhau. Hai triệu chứng thường gặp nhất: Một là rối loạn vận mạch (đổ mồ hôi, bốc hỏa, cáu gắt,…), xuất hiện ở 80% phụ nữ và có thể kéo dài đến 8 năm; Hai là suy giảm chức năng tình dục, xuất hiện từ 20 tháng trước kỳ kinh cuối.
Tuy nhiên, các tình trạng trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thiếu estrogen ở thời kỳ mãn kinh làm cho phụ nữ phải chịu nhiều bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng. Thứ nhất là bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp… Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ sau 50 tuổi. Bên cạnh đó, trong cùng một nhóm tuổi, phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 – 6 lần so với trước mãn kinh;
Thứ hai là gặp các vấn đề về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Thiếu estrogen khi mãn kinh sẽ kích hoạt các tế bào mỡ ở tủy xương làm tái phân bố mỡ trong tạng. Đặc biệt, người hậu mãn kinh thường mất khối lượng cơ, dẫn đến mô mỡ chiếm chỗ, cùng với mệt mỏi không vận động và tiêu thụ năng lượng ít hơn từ đó tiêu thụ oxy giảm, tốc độ chuyển hóa cơ bản giảm. Hai vấn đề này gây tái phân bố mỡ trong cơ thể ở vùng trung tâm (vùng bụng), dẫn đến rối loạn chuyển hóa và tăng cân;
Thứ ba là tăng nguy cơ loãng xương (gãy xương). Cả nam và nữ giới khi lớn tuổi đều loãng xương. Tuy nhiên, phụ nữ từ 50 – 60 tuổi do estrogen giảm, dẫn đến mật độ xương giảm đáng kể, trong khi mật độ xương ở nam giới chỉ giảm từ từ;
Thứ tư là rối loạn nhận thức như giảm trí nhớ, giảm chú ý, thiếu tập trung, suy nghĩ chậm chạp và hay quên, đặc biệt là bệnh Alzheimer,… Trong nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ quốc gia (SWAN) tại Mỹ với 16.065 phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 55 tuổi cho thấy, những thay đổi nhận thức xảy ra muộn sau mãn kinh liên quan đến quá trình lão hóa, không liên quan đến mãn kinh. Do đó, muốn phục hồi nhận thức phải bổ sung nội tiết sớm, còn đến 60 tuổi trở lên, khi đã xuất hiện tình trạng nhớ nhớ quên quên mà bổ sung nội tiết bệnh sẽ trầm trọng hơn.
Khi lớn tuổi sẽ mãn kinh, mà lão hóa và mãn kinh đều dẫn đến phản ứng viêm. Phản ứng viêm có 2 xu hướng là: rối loạn chức năng thần kinh gây suy giảm nhận thức và lắng đọng Beta Amyloid dẫn đến bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ. Đặc biệt, mãn kinh làm tái phân bố mỡ (tạo mỡ), dẫn đến đề kháng insulin từ đó gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
TS.BS Bùi Chí Thương nhấn mạnh: “Mãn kinh là một phần tất yếu của cuộc sống. Độ tuổi mãn kinh tại Việt nam từ 48 – 52 tuổi. Khi đó người phụ nữ sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, vì vậy cần lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ”.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh đem hiệu quả và tính an toàn
Tập trung vào vấn đề “Liệu pháp nội tiết làm gì để nâng cao thể chất và tinh thần cho phụ nữ mãn kinh?”, BS.CK2 Dương Ngọc Diệp – Phó trưởng khoa Sản phụ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng: “Việc xác định thời điểm bổ sung estrogen và lựa chọn chế phẩm, thời gian sử dụng là cả một nghệ thuật, đòi hỏi bác sĩ sản phụ khoa phải lắng nghe những trăn trở, khó khăn của các chị em, cũng như thăm khám đầy đủ, toàn điện, tầm soát ung thư và đưa ra liệu pháp hữu hiệu giúp chị em phụ nữ sống vui, sống khỏe và sống có ích cho cộng đồng”.
Tùy theo từng cá thể, đặc điểm sinh lý, kinh tế xã hội, cũng như trình độ và lối sống mà mỗi người phụ nữ sẽ có những biểu hiện rối loạn tiền mãn kinh khác nhau. Liệu pháp nội tiết mãn kinh (Menopausal hormone therapy – MHT) luôn luôn có lợi ích và nguy cơ. Tuy nhiên, nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ thì vẫn có thể cân nhắc để sử dụng.
Lợi ích từ việc sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh (MHT) là giảm rõ rệt các triệu chứng của tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc bệnh lý thời kỳ mãn kinh như: Cải thiện triệu chứng vận mạch, niệu dục, tâm trạng và cảm xúc; Giảm loãng xương và gãy xương; Cải thiện sa sút trí tuệ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer; Cải thiện khả năng hoạt động của khớp; Giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ung thư đại tràng, bệnh lý tim mạch.
Mặc dù vậy, MHT vẫn có một số tác dụng không mong muốn như: căng tức vú, chóng mặt, xuất huyết âm đạo bất thường và có nguy cơ ung thư vú, bệnh tim mạch.
BS.CK2 Dương Ngọc Diệp chia sẻ: “Chị em cứ nghĩ mãn kinh là diễn tiến tự nhiên và lo ngại ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung nên chấp nhận sống chung với những khó chịu, rối loạn của cơ thể. Bên cạnh đó, còn ngại bày tỏ các vấn đề tế nhị với nhân viên y tế, đây chính là rào cản trong việc điều trị”.
Ngoài ra, BS Dương Ngọc Diệp cũng nhấn mạnh, không nên sử dụng nội tiết mãn kinh với những phụ nữ có tiền căn ung thư vú; tiền căn về bệnh mạch vành, huyết khối tĩnh mạch, đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua; bệnh gan cấp; có xuất huyết tử cung bất thường và có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Khi quyết định sử dụng MHT cho bệnh nhân, phải luôn luôn thăm khám đầy đủ, toàn diện, làm các xét nghiệm tầm soát và cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ. Khi xuất hiện yếu tố nguy cơ cần tư vấn điều trị cho bệnh nhân và ngưng sử dụng liệu pháp này.
“Để điều trị mãn kinh, yếu tố đầu tiên là thay đổi lối sống, sống gần gũi với thiên nhiên, suy nghĩ tích cực, vận động nhiều và có thể bổ sung các sản phẩm từ thiên nhiên như các loại đậu… Cuối cùng, mới nghĩ đến liệu pháp nội tiết.
Các bác sĩ nên cho sử dụng ở cửa sổ an toàn (dưới 60 tuổi và mãn kinh dưới 10 năm). Chọn các chế phẩm estrogen, progestogen (từ cây tỳ giải) có nguồn gốc tự nhiên vì có có bản chất giống với progestogen trong cơ thể người phụ nữ, giúp hạn chế thấp nhất nguy cơ ung thư vú, ngăn ngừa tăng sản nội mạc tử cung và ít ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch do ít giữ muối và ít giữ nước. Dán qua da và dùng qua ngã âm đạo là 2 đường dùng an toàn nhất cho chị em phụ nữ” – BS.CK2 Dương Ngọc Diệp khuyến cáo.
Như vậy, liệu pháp trong nội tiết mãn kinh đến hiện tại có hiệu quả và có tính an toàn. Vấn đề cá thể hóa trong điều trị sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, nên lựa chọn các sản phẩm từ thiên nhiên và kết hợp thay đổi lối sống với chế độ dinh dưỡng sẽ đem lại hiệu quả tốt.
Nguồn: Alo Bác sĩ