PHỐI HỢP LIÊN VIỆN KÍCH HOẠT ECMO CỨU SỐNG NGƯỜI BỆNH ĐỘT TỬ TIÊN LƯỢNG 90% TỬ VONG
Khác với các trường hợp đột tử được cứu sống trước đây, người bệnh bị suy chức năng tim nền rất nặng, rối loạn nhịp thất xuất hiện thành từng cơn liên tục ngay cả sau khi can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể và làm giảm nhu cầu chuyển hoá năng lượng các mô bằng hạ thân nhiệt.
Đó là trường hợp của anh H.V. L, 59 tuổi, quê quán tại Bến Tre, mắc bệnh cơ tim dãn nở 4 năm nhưng chưa được điều trị ổn định, hiện đang làm bảo vệ một công ty tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Đuược biết khuya ngày 24/03/2024, anh đột ngột khó thở rồi ngừng tim tại nhà trọ, được người nhà đưa ngay đến một bệnh viện đa khoa gần đó. Sau khi hồi sinh tim phổi và sốc điện chuyển nhịp liên tục trong 20 phút vì rối loạn nhịp thất, người bệnh phục hồi được tuần hoàn tự nhiên. Tuy nhiên, do có bệnh lý tim mạch nền cơ tim dãn với suy chức năng co bóp cả hai tâm thất nặng kèm với tình trạng tụt huyết áp sâu phải sử dụng vận mạch liều cao, phù phổi cấp, tiên lượng nguy cơ tử vong gần như 90%. Sau khi hội chẩn liên viện, người bệnh được chuyển viện ngay trong đêm vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại đây, ekip ECMO của Đơn vị Hồi sức tim mạch đã kích hoạt sẵn sàng, người bệnh được can thiệp ECMO lai ghép động tĩnh mạch (V-AV ECMO) trong vòng 30 phút, hạ thân nhiệt trung tâm và hỗ trợ lọc máu liên tục. ThS.BS. Nguyễn Thanh Thảo – Trưởng nhóm ECMO cho biết: “Chúng tôi vừa phải sử dụng thuốc vận mạch đi kèm các thuốc tăng co bóp cơ tim và các thuốc chống rối loạn nhịp. Chức năng co bóp thất trái và cả thất phải suy giảm rất nặng (phân suất tống máu thất trái chỉ 15%) làm diễn tiến suy đa tạng sau ngừng tim kéo dài của bệnh nhân bắt đầu nặng nề hơn ngay cả khi được hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể”. Theo ThS.BS. Trần Thị Ngọc Mỹ – Chuyên gia điều trị suy tim Đơn vị Hồi sức tim mạch: “Đối với bệnh cơ tim dãn nở, hiện nay tại các trung tâm tim mạch chuyên sâu, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp thất dựa trên kiểu hình lâm sàng, phối hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh học tim mạch và tầm soát đột biến gene nguy hiểm. Người bệnh mắc bệnh cơ tim dãn nở với nguy cơ đột tử cao do rối loạn nhịp thất có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng điều trị nội khoa suy tim tối ưu, kèm cấy máy phá rung (ICD) khi có chỉ định”