TÌM HIỂU VỀ VI KHUẨN HP – NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý về dạ dày, bao gồm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính và thậm chí ung thư dạ dày. Đây là một loại trực khuẩn xoắn ốc, sống trong niêm mạc dạ dày, có khả năng gây tổn thương và làm suy yếu lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Việc nhận thức sớm về H. pylori và các biện pháp phòng ngừa có thể giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa của bạn.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn Helicobacter pylori:
H. pylori là một loại vi khuẩn có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ miệng hoặc phân của người bệnh.
Các con đường lây nhiễm chủ yếu bao gồm:
Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc phân của người nhiễm bệnh:Vi khuẩn này có thể được truyền qua các thói quen vệ sinh kém hoặc qua việc ăn uống chung.
Thực phẩm và nước không an toàn: Vi khuẩn có thể sống trong thực phẩm và nước bị ô nhiễm, gây nhiễm bệnh cho người tiêu thụ.
Môi trường sống kém vệ sinh: Những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là các khu vực đông dân, có nguy cơ nhiễm H. pylori cao hơn.
Triệu chứng của nhiễm khuẩn Helicobacter pylori:
Nhiễm H. pylori có thể không có triệu chứng rõ rệt, nhưng khi vi khuẩn này gây tổn thương niêm mạc dạ dày, một số triệu chứng có thể xuất hiện, bao gồm:
Đau bụng trên hoặc cảm giác đầy hơi: Đau thường xuất hiện sau khi ăn và có thể kéo dài.
Buồn nôn, nôn mửa hoặc chán ăn: Cảm giác khó chịu khi ăn uống có thể là dấu hiệu cảnh báo.
Ợ hơi hoặc ợ chua: Vi khuẩn H. pylori làm tăng lượng acid trong dạ dày, gây ra tình trạng trào ngược.
Chảy máu dạ dày: Nếu vi khuẩn làm tổn thương nghiêm trọng, có thể gây loét dạ dày và chảy máu tiêu hóa, biểu hiện qua phân đen hoặc nôn ra máu.
Cách điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori:
Nhiễm H. pylori có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc. Hiện nay, có nhiều phác đồ điều trị H. pylori. Phác đồ điều trị thường bao gồm:
Kháng sinh: Để tiêu diệt vi khuẩn H. pylori bác sĩ sẽ kê đơn hai loại kháng sinh.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giúp giảm lượng acid trong dạ dày, hỗ trợ vết loét lành lại và giảm triệu chứng.
Busmuth kiềm khuẩn và bảo vệ niêm mạc dạ dày: Giúp bảo vệ lớp niêm mạc và hỗ trợ trong quá trình điều trị.
Việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị rất quan trọng đến kết quả tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và tránh tái phát.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn Helicobacter pylori:
Dưới đây là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp bạn phòng ngừa nhiễm khuẩn H. pylori:
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Chú ý đến nguồn nước và thực phẩm: Uống nước sạch và ăn thực phẩm đã được nấu chín kỹ càng để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Tránh các thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm và hạn chế thói quen ăn uống không lành mạnh.
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là một vấn đề sức khỏe phổ biến, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hãy luôn duy trì thói quen vệ sinh tốt và kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ dạ dày và hệ tiêu hóa của bạn.
Tài liệu tham khảo: Marc Bilodeau, et al. The Digestive System: From Basic Sciences to Clinical Practice 2022
BS Võ Hồng Lan Phương. TS. BS. Võ Hồng Minh Công – Khoa Nội Tiêu hóa bệnh viện Nhân dân Gia Định