
TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE MỔ LẤY THAI AN TOÀN
Mang thai và sinh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, là chuyến “vượt cạn” có thể thuận lợi nhưng cũng có thể gặp phải những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa tính mạng cả thai phụ lẫn thai nhi. Trong nhiều trường hợp, mổ lấy thai là giải pháp giúp thai nhi chào đời được thuận lợi hơn, mẹ bầu cũng không phải chịu nhiều đau đớn như khi sinh thường
1. Mổ lấy thai là gì?
Mổ lấy thai (còn gọi là mổ bắt con, sinh mổ) là một thủ thuật phẫu thuật được thực hiện để đưa em bé ra khỏi bụng mẹ qua một đường rạch ở bụng và tử cung. Đây là một thủ thuật phổ biến giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và bé khi sinh thường không an toàn hoặc không thể thực hiện.
2. Khi nào cần mổ lấy thai?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), mổ lấy thai nên được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Thai nhi quá to, ngôi thai bất thường (ngôi mông, ngôi ngang…)
- Mẹ có bệnh lý như tiền sản giật, nhau tiền đạo, vỡ tử cung…
- Chuyển dạ kéo dài, không tiến triển
- Suy thai cấp (giảm nhịp tim thai nghiêm trọng)
- Đã từng mổ lấy thai trước đó và không đủ điều kiện sinh thường sau mổ
Lưu ý: Không nên lựa chọn sinh mổ nếu không có chỉ định y khoa, vì có thể làm tăng nguy cơ biến chứng.
3. Chuẩn bị trước mổ
Những điều sau cần chuẩn bị cho người bệnh
- Giải thích cho người bệnh
- Người bệnh nhịn ăn 8 giờ trước cuộc mổ (đối với người bệnh mổ chương trình)
- Đặt máy monitor sản khoa theo dõi tim thai và cơn gò của mẹ
- Chuẩn bị đường truyền tĩnh mạch
- Dự trù máu
- Các chuẩn bị khác cho một cuộc mổ bụng
- Một số xét nghiệm cần làm: công thức máu, nhóm máu, đông cầm máu
4. Lợi ích và nguy cơ của mổ lấy thai
Lợi ích :
– An toàn cho mẹ và bé khi sinh thường khó khăn
– Chủ động được thời gian sinh
– Tránh được một số tai biến sản khoa
Nguy cơ
– Nhiễm trùng vết mổ, chảy máu nhiều
– Thời gian hồi phục lâu hơn sinh thường
– Nguy cơ biến chứng cho lần mang thai sau
5. Quy trình mổ lấy thai
Quy trình mổ lấy thai gồm 6 bước chính:
Bước 1: Gây tê/gây mê – thường là gây tê tủy sống
Bước 2: Rạch da vùng bụng dưới
Bước 3: Rạch tử cung
Bước 4: Lấy thai nhi ra ngoài
Bước 5: Lấy nhau thai
Bước 6: Khâu đóng tử cung và thành bụng
6. Tai biến
Tai biến trong lúc mổ
- Rách tử cung (thường ở đoạn dưới tử cung khi mổ tử cung ở đoạn dưới)
- Tổn thương bàng quang, niệu quản, ruột…
- Chảy máu do phạm phải động mạch tử cung, do đờ tử cung
- Mất trương lực tử cung – đờ tử cung: gặp ở sản phụ đa sản, đa ối, sản phụ trước đó đã chuyển dạ kéo dài khó khăn. Khi ấy nguy cơ sẽ mất máu nhiều hơn
- Các tai biến do gây mê
Biến chứng sau mổ
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng trong cơ tử cung (endomyometritis), nhiễm trùng vết mổ…
- Nhiễm trùng đường tiểu
- Thoát vị thành bụng
- Dính ruột
- Lạc nội mạc tử cung
- Các biến chứng do thuyên tắc tĩnh mạch khi nằm hậu phẫu lâu…
Tai biến cho con
- Ảnh hưởng bởi thuốc mê
- Chạm thương khi phẫu thuật
- Hít phải nước ối
7. Phục hồi sau mổ lấy thai
- Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
- Vận động nhẹ sau 6 – 12 giờ
- Vệ sinh vết mổ đúng cách để tránh nhiễm trùng
- Theo dõi dấu hiệu bất thường như sốt, đau nhiều, chảy máu
8. Khuyến cáo từ WHO & ACOG
- Tỷ lệ mổ lấy thai nên duy trì ở mức <15% tổng số ca sinh (theo WHO)
- Mổ lấy thai không nên được thực hiện theo yêu cầu nếu không có lý do y khoa rõ ràng
- Phụ nữ đã từng mổ lấy thai vẫn có thể sinh thường nếu đủ điều kiện và được theo dõi sát
Ngày nay, sinh mổ là biện pháp rất phổ biến để giúp thai nhi chào đời thuận lợi, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa cả mẹ lẫn con trong quá trình mẹ bầu “vượt cạn”. Lưu ý là việc thai phụ sinh mổ hay sinh thường không phải là quyết định từ phía thai phụ mà phải từ phía bác sĩ sản khoa sau khi cân nhắc các yếu tố nguy cơ để đưa ra hướng thực hiện nhằm đảm bảo quá trình sinh được an toàn.
“Mổ lấy thai là một biện pháp an toàn khi cần thiết – Hãy sinh mổ vì lý do y khoa, không vì sở thích cá nhân”
BS.CKII Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó trưởng khoa Sản thường, Bệnh viện Nhân dân Gia Định