
CỨU SỐNG NGƯỜI BỆNH NGỪNG TIM DO RỐI LOẠN NHỊP THẤT KHÁNG TRỊ BẰNG QUI TRÌNH HỒI SỨC CẤP CỨU NGỪNG TIM NỘI VIỆN E-CPR
Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa cấp cứu thành công một trường hợp người bệnh nam, 55 tuổi, từ Ninh Thuận đến TP.HCM khám bệnh và đột ngột ngừng tim khi vừa đến bệnh viện. Bằng qui trình hồi sức cấp cứu ngừng tim nội viện E-CPR (hồi sức tim phổi nâng cao có kết hợp oxy hoá máu màng ngoài cơ thể V-A ECMO), người bệnh đã được cứu sống ngoạn mục trong bệnh cảnh nhanh thất kháng trị do nhồi máu cơ tim cấp.
Anh T.Q.B, 55 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận, đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám bệnh vì triệu chứng đau ngực từng cơn khoảng 2 tuần nay và điều trị ban đầu chưa đáp ứng. Ngày 26/3/2025, khi vừa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định đăng ký khám bệnh, anh B. đột ngột gồng cứng người và ngừng tim. Ngay lập tức, người bệnh được nhân viên y tế khoa Khám bệnh hồi sinh tim phổi và chuyển đến phòng cấp cứu. Sau 15 phút ấn tim ngoài lồng ngực và sốc điện nhiều lần vì nhanh thất không thành công, qui trình hồi sức cấp cứu ngừng tim nội viện E-CPR được kích hoạt. Trong vòng 5 phút sau đó, ê-kíp khoa Hồi sức tim mạch phối hợp với khoa Cấp cứu tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực, can thiệp V-A ECMO (oxy hoá máu màng ngoài cơ thể phương thức động mạch – tĩnh mạch) cho người bệnh. Sau 35 phút kể từ khi ngừng tim, anh B. đã được duy trì ổn định cung lượng tim đảm bảo tưới máu cơ quan. Với nguyên nhân ngừng tim được nghĩ đến nhiều nhất là nhồi máu cơ tim cấp, ngay sau can thiệp V-A ECMO thành công, trong tình trạng nhanh thất liên tục kháng trị, anh B. được chuyển ngay đến phòng thông tim tại khoa Tim mạch can thiệp để chụp động mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy anh B. bị tắc hoàn toàn cấp tính động mạch vành bên trái nhánh liên thất trước. Anh B. được can thiệp đặt stent cấp cứu để tái lập dòng chảy ở động mạch vành chính nuôi tim. Sau khi tái tưới máu thành công, rối loạn nhịp thất hồi phục ngoạn mục trở về nhịp tim bình thường, anh B. được ngừng V-A ECMO sau 48 giờ và được xuất viện sau 7 ngày.
Thạc sĩ – Bác sĩ Võ Văn Trắng, khoa Hồi sức tim mạch, bác sĩ điều trị chính cho anh B. cho biết: “E-CPR là phương thức hồi sinh tim phổi nâng cao với hỗ trợ của ECMO, với mục tiêu duy trì tưới máu cơ quan đích trong tình huống ngưng tim do nguyên nhân tim mạch và không đáp ứng điều trị hồi sức ban đầu. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh E-CPR ứng dụng trong các tình huống ngừng tim do nhanh thất kháng trị giúp cải thiện gấp đôi khả năng sống sót của người bệnh với chức năng thần kinh tốt. Với hồi sinh tim phổi thông thường, cung lượng tim chỉ được đạt 10 – 20% so với cung lượng tim bình thường; nhưng với E-CPR, tưới máu các cơ quan trọng yếu được duy trì khá tốt và nguy cơ suy chức năng tạng sau ngừng tim kéo dài được giảm thiểu. Tuy nhiên, để thực hiện E-CPR, ê-kíp cần có nhiều kinh nghiệm để khởi động V-A ECMO càng nhanh càng tốt”.
Theo BS.CKII Nguyễn Đỗ Anh, trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhanh thất kháng trị là tình trạng rối loạn nhịp nhanh và kéo dài xuất phát từ tâm thất (không phải ổ tạo nhịp tim thông thường) và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hay sốc điện chuyển nhịp. Dạng rối loạn nhịp này còn được gọi là “cơn bão điện thế” và thường gây đột tử ở người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp. Tái tưới máu động mạch vành cấp cứu là phương thức duy nhất để cứu mạng người bệnh. Trong tình huống khó như ngừng tim kéo dài, E-CPR giúp hỗ trợ thành công thủ thuật tái tưới máu mạch vành.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, qui trình hồi sức cấp cứu ngừng tim nội viện E-CPR đã được thực hiện thống nhất trong toàn bệnh viện, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh đến khám bệnh cũng như đang điều trị nội trú. Tuy nhiên, tình huống ngừng tim đột ngột như anh B. vẫn có thể được ngăn ngừa hiệu quả. Đối với người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp…, triệu chứng đau ngực dù là nhẹ cũng không nên xem thường và cần đến bệnh viện sớm để được các bác sĩ đánh giá và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
