HỘI NGHỊ KHOA HỌC ĐIỀU DƯỠNG 2023
Hội nghị khoa học Điều dưỡng vào ngày 28/7/2023 bắt đầu từ 08g00 tại Hội trường B Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hội nghị có 09 bài báo cáo với chủ đề “Điều Dưỡng chúng ta – Tương lai chúng ta” hứa hẹn sẽ mang nhiều nội dung phong phú, cung cấp những thông tin vô cùng thiết thực và bổ ích trong công tác chăm sóc người bệnh. Nhiều chủ đề từ tư vấn chăm sóc đến cách tối ưu hóa trong trị liệu, các chủ đề hấp dẫn áp dụng có hiệu quả trong thực hành lâm sàng như “Liệu pháp âm nhạc trong phẫu thuật”, “Phục hồi chức năng từ xa cho người bệnh sau đột quỵ”, “Thử nghiệm đi bộ 2 phút và xác định khả năng hoạt động của người bệnh trong giai đoạn phục hồi bán cấp và mạn” với các báo cáo viên của bệnh viện Nhân dân Gia Định trường Đại học Y dược Tp Hồ Chí Minh và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có nhiều kinh nghiệm trong thực hành và nghiên cứu.
Điều dưỡng là một lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Bệnh viện Nhân dân Gia Định luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh tham gia nghiên cứu khoa học để tìm ra nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao nhằm nâng cao công tác chăm sóc người bệnh.
Hội nghị khoa học Điều dưỡng là kết tinh những thành quả trong hoạt động công tác nghiên cứu khoa học của điều dưỡng của Bệnh viện. Hội nghị năm nay, nhiều chủ đề từ tư vấn chăm sóc Sản phụ đến sau sanh chăm sóc rốn nhi sơ sinh, đến các chủ đề về Nội khoa cũng như Ngoại khoa, chăm sóc người cao tuổi với bệnh lý nền đái tháo đường, biến chứng của đột quỵ và chăm sóc phục hồi chức năng sau nhồi máu, xuất huyết não. Đó là bài báo cáo của CN Điều dưỡng Lư Ngọc Huyền – Khoa Nội thần kinh với đề tài : “ Đánh giá rối loạn nuôi ở người bệnh đột quỵ cấp” hay “ Khảo sát kiến thức tiêm insulin của người bệnh đái tháo đường” của CN ĐD Lê Ngọc Nhung- Khoa Nội tiết thận.
Bên cạnh các báo cáo trong bệnh viện, Hội nghị Khoa học điều dưỡng còn thu hút các đề tài từ trường Đại học Y dược TPHCM. Chẳng hạn như chủ đề Ngoại khoa với cải tiến mới liệu pháp âm nhạc trong phẫu thuật và đánh giá chất lượng gây mê cũng như quản lý đau sau phẫu thuật của ThS Phạm Vũ Ánh Nguyệt – Bộ môn Điều dưỡng – Gây mê Hồi sức. Đề tài chỉ ra người bệnh gây tê tủy sống vẫn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật và có thể lo lắng nhiều do nhiệt độ lạnh và tiếng ồn.
Người bệnh được nghe nhạc với tai nghe chụp tai kết nối bluetooth là phương pháp hỗ trợ tâm lý giúp người bệnh giảm lo lắng, ổn định sinh hiệu trong phẫu thuật và giảm các tai biến, biến chứng sau mổ ở bệnh nhân gây tê tủy sống.
Người bệnh đột quỵ não thường có nhiều di chứng nên phải phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của nhân viên y tế và gia đình. Chính vì vậy các nghiên cứu, báo cáo về vấn đề này đối với điều dưỡng là rất ý nghĩa và thiết thực.
Đề tài của ThS Nguyễn Thanh Duy – Phó trưởng bộ môn Vật Lý trị liệu – Đại học Y dược TPHCM xác định khả năng đi của người bệnh đột quỵ giai đoạn cấp bằng thử nghiệm đi bộ 2 phút và xác định khả năng di chuyển, hoạt động của người bệnh trong giai đoạn phục hồi bán cấp và mạn. Nghiên cứu cho thấy việc dùng bổ sung các thử nghiệm chuyên biệt: đi bộ 2 phút, ABILOCO, ACTIVLIM để đánh giá thường xuyên khả năng của người bệnh nhằm đưa ra mục tiêu điều trị phục hồi chức năng phù hợp.
“ Hiệu quả can thiệp phục hồi chức năng từ xa cho người bệnh sau đột quỵ giai đoạn phục hồi sớm” của ThS Nguyễn Mai Đan Ngọc là một nghiên cứu thí điểm, bước đầu cho thấy rằng việc áp dụng phục hồi chức năng từ xa để điều trị mang lại kết quả tích cực cho người bệnh đột quỵ. Hình thức này có thể áp dụng can thiệp để tăng khả năng tiếp cận phục hồi chức năng tại cộng đồng. Từ nghiên cứu này, các mô hình phục hồi chức năng từ xa nên được được nghiên cứu sâu và mở rộng trong bối cảnh lâm sàng tại Việt Nam. Việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sau đột quỵ (ADLs) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng yếu liệt nửa người. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của phục hồi chức năng từ xa đối với khả năng thực hiện ADLs như ăn uống, mặc quần áo, cởi quần áo, tắm rửa, vệ sinh cá nhân và chất lượng cuộc sống của người bệnh đột quỵ sau 3 tháng can thiệp phục hồi chức năng từ xa. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm hiểu các yếu tố nhân trắc và loại đột quỵ tác động như thế nào đến thay đổi khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh đột quỵ được điều trị bằng can thiệp này.
Trong công tác chăm sóc người bệnh, các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học, thực hành dựa vào bằng chứng để xây dựng các quy trình kỹ thuật, các quy trình quản lý, bắt kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hội nghị khoa học Điều Dưỡng với chủ đề 2023 “Điều Dưỡng chúng ta – Tương lai chúng ta” hứa hẹn sẽ mang nhiều nội dung phong phú, cung cấp những thông tin vô cùng thiết thực và bổ ích trong công tác chăm sóc người bệnh.