
VAI TRÒ CỦA TIÊM NGỪA VẮC-XIN CÚM TRÊN NGƯỜI MẮC BỆNH PHỔI MẠN TÍNH

Bệnh cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây ra. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt cao đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.1
Bệnh cúm là một bệnh lây nhiễm rất cao, lan truyền nhanh có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp qua giọt bắn khi người bệnh ho hắt hơi. Sự lây truyền mạnh mẽ hơn khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tâp trung đông người như trường học, nhà trẻ.2
Hầu hết mọi người sẽ hết sốt và phục hồi các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh viêm phổi nặng hoặc tử vong trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế đặc biệt là người mắc các bệnh lý phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.2
Cúm mùa ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người bệnh phổi mạn tính?
Nhiễm vi- rút cúm là nguyên nhân hàng đầu gây đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong các tháng cuối năm tỷ lệ nhiễm vi- rút cúm ở người mắc đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng phải nhập viện lên đến 40% với các triệu chứng sốt, ho khạc đàm, khó thở tăng dần.
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là biến cố quan trọng trong quá trình tiến triển của bệnh. Đợt cấp thường xuyên làm suy giảm chức năng hô hấp, ảnh hưởng đến thể lực, đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của bệnh nhân và gia tăng áp lực kinh tế tài chính của người bệnh.3
Ngoài ra nhiễm vi- rút còn gây biến chứng viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong trên người lớn tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính.
Đặc biệt tỷ lệ tử vong do nhiễm vi- rút cúm tăng cao ở những người bệnh thở oxy tại nhà, trên 75 tuổi, sống ở viện dưỡng lão.
Các biện pháp hiệu quả phòng ngừa bệnh cúm mùa.
Vi-rút gây bệnh cúm thường sinh sôi và phát triển mạnh mẽ vào mùa đông xuân và có tính lây lan cao. Vắc-xin cúm là phương pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Hiện nay, đã có nhiều loại vắc-xin cúm mùa được đưa vào sử dụng như là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bệnh cúm.
Tiêm ngừa vắc xin giúp giảm đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện do cúm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin được gia tăng trên nhóm bệnh nhân được tiêm ngừa cúm mỗi năm. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể được ngăn chặn bằng cách mở rộng tiêm chủng.4
Ngoài tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh, người bệnh cần chú ý luôn giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi đi đến nên công cộng, lưu ý giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc bệnh người có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh.
Những ai cần tiêm ngừa cúm hàng năm?
Tiêm vắc xin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ bị biến chứng của bệnh cúm và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:1
Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Người cao tuổi (trên 65 tuổi).
Người mắc bệnh mãn tính.
Nhân viên y tế.
Sau khi tiêm ngừa cúm người tiêm có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, đau khớp, cáu kỉnh, buồn ngủ, tiêu chảy, sốt, run rẩy, chán ăn, chóng mặt, tăng đổ mồ hôi, đau, sưng, đỏ, cứng, ngứa chỗ tiêm nhưng các triệu chứng này thường nhẹ và tự hết sau 01- 02 ngày.
Lưu ý những người không nên tiêm ngừa cúm:
Đã từng có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ) với tiêm ngừa cúm trước đó;
Dị ứng nghiêm trọng với trứng;
Hoãn tiêm khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính (nên chờ cho đến khi tình trạng tốt hơn mới nên đi tiêm phòng cúm);
Từng bị biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên trong 06 tuần sau khi tiêm cúm.
Nên tiêm ngừa cúm vào thời điểm nào trong năm?
Chủng vi-rút cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần tiêm ngừa vắc xin cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Ở Việt Nam, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong năm.
Tiêm ngừa vắc- xin cúm tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã triển khai tiêm ngừa vắc xin cúm mùa, phế cầu và nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác tại phòng khám sàng lọc tiêm chủng. Khi đến tiêm ngừa tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định các bạn sẽ được nhân viên y tế tư vấn tận tình, và có phòng theo dõi tác dụng phụ sau tiêm 30 phút để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hãy bảo vệ sức khoẻ của bản thân và người thân của mình bằng những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Tài liệu tham khảo.
- World Health Organization. Influenza (seasonal). Date last updated: 12 January 2023.
- Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam – Hội y học dự phòng Việt Nam, 2023.
- Thompson WW, Weintraub E, Dhankhar P, et al. Estimates of US influenza-associated deaths made using four differen methods. Influenza Other Respi Viruses. 2009;3:37-49
- Susanne S, Oana J, Tobias W, et al. The role of vaccination in COPD: influenza, SARS-CoV-2, pneumococcus, pertussis, RSV and varicella zoster virus. European Respiratory Review 2023 32: 230034; DOI: 10.1183/16000617.0034-2023.