
Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2025 – “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”

Ngày Thế giới Phòng chống Lao (World Tuberculosis Day) được tổ chức hằng năm vào ngày 24/3, nhấn mạnh sự cấp bách của việc chấm dứt bệnh lao – căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất trên thế giới. Tiếp nối sự thành công và lan tỏa mạnh mẽ những kết quả phòng chống Lao trong 2 năm 2023, 2024, Ngày Thế giời phòng chống lao trên toàn cầu năm nay lấy chủ đề “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”, qua đó thể hiện cam kết cao nhất trong hành động phòng chống lao. Trong đó:
Cam kết
Tại cuộc họp cấp cao của Liên Hợp Quốc năm 2023, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết đẩy nhanh các nỗ lực để chấm dứt bệnh lao. Giờ đây, chúng ta cần hành động thực sự: triển khai nhanh chóng các hướng dẫn và chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), củng cố các chiến lược quốc gia và đảm bảo nguồn tài trợ đầy đủ.
Đầu tư
Không thể đánh bại bệnh lao nếu không có nguồn tài chính thích hợp. Chúng ta cần một cách tiếp cận táo bạo, đa dạng để tài trợ cho đổi mới, thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận phòng ngừa, điều trị và chăm sóc bệnh lao cũng như để thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới.
Thực hiện
Biến cam kết thành hành động có nghĩa là mở rộng quy mô các can thiệp đã được WHO khuyến nghị và chứng minh hiệu quả: phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao chất lượng cao, đặc biệt là đối với bệnh lao kháng thuốc. Thành công phụ thuộc vào sự tham gia của cộng đồng, hành động của xã hội và sự hợp tác liên ngành.
Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và còn đáng sợ hơn khi lây lan dễ dàng trong cộng đồng nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng có thể tấn công các cơ quan khác như xương, hạch, não, thận… Vi khuẩn lao lây truyền qua không khí, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Những dấu hiệu cần chú ý
Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng dưới đây, hãy đi khám sớm để kiểm tra:
- Ho kéo dài trên 2 tuần, có thể ho ra máu
- Sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi ban đêm
- Sút cân không rõ lý do, mệt mỏi kéo dài, chán ăn
- Đau ngực, khó thở
Có nhiều người bị lao nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Nếu chúng ta từng tiếp xúc với người mắc lao thì hãy chủ động đi kiểm tra sức khỏe. Khi nghi ngờ mắc lao, hãy đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được các chuyên gia tư vấn và thăm khám.
Bệnh lao có chữa khỏi được không?
Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Phác đồ điều trị lao kéo dài ít nhất 6 tháng, người bệnh cần uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn lao. Dừng thuốc giữa chừng có thể làm bệnh tái phát và gây kháng thuốc, nguy hiểm hơn nhiều.
Phòng ngừa bệnh lao như thế nào?
- Tiêm vắc-xin BCG (Bacille Calmette-Guerin) – vắc-xin phòng lao cho trẻ sơ sinh
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người mắc lao
- Mở cửa sổ, giữ không gian thoáng mát có ánh sáng mặt trời
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng
- Người bệnh cần tuân thủ điều trị để tránh lây lan
Quyền lợi của người bệnh lao
- Người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT): sẽ được cấp thuốc chống lao thông qua quỹ BHYT, giảm gánh nặng chi phí điều trị
- Người bệnh chưa có BHYT: nên tham gia BHYT để được hỗ trợ chi phí điều trị. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, các chương trình hỗ trợ và quỹ từ thiện có thể giúp đỡ việc mua thẻ BHYT hoặc chi trả chi phí điều trị
Để được phát hiện và quản lý bệnh lao, người dân có thể đến các bệnh viện như: Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Đinh, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ và các bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế quận/huyện trên toàn quốc.
Người bệnh lao cần phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu để tránh tình trạng lao kháng thuốc; khi đã mắc lao phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa lao và bắt buộc phải áp dụng biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh ra cộng đồng theo khuyến cáo của ngành Y tế. Phòng chống bệnh lao và chăm sóc sức khỏe cộng đồng chính là một trong những tiêu chí phát triển kinh tế – xã hội quan trọng. Việc nâng cao ý thức cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong chủ động phòng chống lao, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.
Bệnh lao không phải là án tử, nếu mỗi người đều có ý thức phòng bệnh và tuân thủ điều trị, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao. Hãy chia sẻ thông điệp này để bảo vệ chính mình và cộng đồng!
Bài viết được thực hiện bởi BSCKI. Đoàn Minh Yên, Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định
