
Các phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên, trong đó vùng động mạch chi dưới chiếm phần lớn là tình trạng tắc hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch chi dưới do xơ vữa, dẫn đến giảm lưu lượng máu tới chân. Bệnh gây triệu chứng như đau cách hồi khi đi bộ, lạnh chân, tím tái, thậm chí loét hoặc hoại tử ở giai đoạn nặng, đe dọa nguy cơ cắt cụt chi.

Các phương pháp điều trị
Các phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên bao gồm thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá, tập thể dục), dùng thuốc (chống đông, giãn mạch), phẫu thuật mở và can thiệp nội mạch.
Can thiệp nội mạch nổi bật với ưu điểm ít xâm lấn, giảm nguy cơ biến chứng so với phẫu thuật mở, thời gian hồi phục nhanh và phù hợp cho cả tổn thương đơn giản lẫn phức tạp. Kỹ thuật này sử dụng ống thông (catheter) đưa qua đường mạch máu dưới hướng dẫn hình ảnh học để nong mạch, đặt stent hoặc tái thông các đoạn tắc nghẽn, từ động mạch lớn như động mạch chủ – chậu đến các nhánh nhỏ ở bàn chân.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Đơn vị X Quang Can thiệp đã thực hiện thành công hơn 600 ca can thiệp nội mạch, bao gồm các trường hợp phức tạp như: tắc hẹp nhiều tầng, thiếu máu nặng gây đau lạnh tím chân hoặc biến chứng loét hoại tử đe dọa đoạn chi. Với trang thiết bị hiện đại và đầy đủ dụng cụ chuyên dụng như: dụng cụ khoan phá mảng xơ vữa làm rộng lòng mạch, hệ thống hút huyết khối, các hệ thống giá đỡ (stent) chuyên dụng phù hợp cho các đoạn mạch khác nhau, các hệ thống bóng nong từ siêu nhỏ đường kính 1.5-3.5 mm cho vùng cẳng bàn chân đến 10-20 mm cho động mạch và tĩnh mạch chủ chậu, bóng nong phủ thuốc chống tăng sinh nội mạc ngăn tái hẹp và stent phủ thuốc, đơn vị đáp ứng toàn diện từ kỹ thuật đơn giản đến phức tạp, được bảo hiểm y tế chi trả. Can thiệp nội mạch không chỉ tái thông hiệu quả các tổn thương hẹp hay tắc nghẽn kéo dài mà còn là giải pháp thay thế phẫu thuật mở ở những vùng mạch gần khớp vận động, giúp cải thiện chất lượng sống và bảo tồn chi cho người bệnh.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên bao gồm người trên 60 tuổi, người hút thuốc lá lâu năm, người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh động mạch ngoại biên, người bệnh nên tầm soát định kỳ bằng chỉ số ABI (chỉ số áp lực cổ chân – cánh tay) và siêu âm Doppler mạch máu.
Khi có dấu hiệu như đau chân khi đi bộ, lạnh hoặc đổi màu da chân, cần thăm khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên sâu. Điều trị sớm, đặc biệt bằng can thiệp nội mạch khi cần thiết ở những trung tâm nhiều kinh nghiệm và đầy đủ trang thiết bị, có thể ngăn tiến triển bệnh, giảm nguy cơ biến chứng nặng và bảo vệ chi hiệu quả.



Tắc động mạch chậu phải và hẹp động mạch chậu trái được tái thông và hình ảnh bàn chân lạnh tím có hoại tử ở ngón chân do thiếu máu đến nuôi dưỡng.



Thiết bị khoan cắt mảng xơ vữa – mở rộng lòng mạch




Hẹp động mạch chậu ngoài – tắc đoạn dài động mạch đùi nông và khoeo




Thủ thuật tái thông thành công nhiều tầng động mạch


Điều trị bằng phương pháp can thiệp tại BV Nhân Dân Gia Định, tỉ lệ cao người bệnh đạt tái thông đến bàn chân
Bài viết được thực hiện bởi BS.CK2 Trần Minh Hiền – Đơn vị X Quang can thiệp