Khoa Lão Học
Khoa Lão học được thành lập ngày 15/09/2008, quá trình hình thành và phát triển của khoa gắn liền với sự phát triển của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Qua 16 năm với nhiều hoạt động Khoa lão học đã có nhiều thay đổi, phát triển tích cực về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Bệnh viện Nhân dân Gia Định là 1 trong số ít bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển 1 khoa chuyên biệt chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người cao tuổi. Ngoài ra, khoa Lão học Bệnh viện Nhân dân Gia Định được giao nhiệm vụ phụ trách chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Huyết học.
Khoa Lão học tọa lạc tại tầng trệt khu nội trú bệnh viện Nhân dân Gia Định
Khoa hiện có 31 nhân sự: 14 bác sĩ (2 CKII, 5 ThS, 2 CKI, 3 BS đa khoa, 2 cán bộ giảng thuộc bộ môn Lão Đại học Y dược); 15 điều dưỡng và 3 hộ lý.
Slogan: GIÀ SỨC KHỎE, TRẺ BÌNH YÊN
Trưởng khoa: BS.CKII Trần Minh Giao
Phó trưởng khoa: BS.CKII Mai Trần Thị Bích Duyên
Điều dưỡng trưởng: Nguyễn Thị Ngọc Hiếu
Hoạt động chuyên môn:
- Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ≥ 60 tuổi có nhiều bệnh phối hợp, đa bệnh đa thuốc, sức đề kháng kém, với nhu cầu chăm sóc, nâng đỡ tích cực, toàn diện về sức khỏe, nhu cầu tư vấn động viên về mặt tâm lý.
- Các bệnh tim mạch: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim,…
- Các bệnh nội tiết, chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid máu,…
- Các bệnh lý hô hấp: viêm phổi, hen phế quản / bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),…
- Các bệnh lý cơ xương khớp: thóa hóa khớp, cột sống, loãng xương, gout,…
- Các bệnh máu huyết học: thalassemia, thiếu máu, đa hồng cầu, suy tủy, …
- Các bệnh thần kinh: rối loạn tiền đình, mất ngủ, đau đầu, parkinson, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, …
- Các bệnh lý tiêu hóa: viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích,,…
- Với nhiều bệnh lý phối hợp ở người cao tuổi thì việc lựa chọn thuốc, xem xét liều thuốc theo chức năng gan, thận, phối hợp thuốc phù hợp để tạo hiệu quả tối đa với tác dụng phụ thấp nhất là 1 trong những thế mạnh của chuyên ngành lão khoa
Đánh giá lão khoa toàn diện: suy yếu, các hoạt động chức năng cơ bản (ADL), nâng cao (IADL), nguy cơ té ngã, trầm cảm, sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng,…
- Các thủ thuật chuyên sâu: đặt nội khí quản, chọc dò dịch màng phổi, màng bụng, dịch não tủy, chọc tủy xương, chăm sóc loét tỳ đè,…
- Tư vấn bệnh nhân và người nhà: chế độ ăn uống sinh hoạt các bệnh lý thường gặp (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gout, thiếu máu,…), phòng chống té ngã, mất nước, suy dinh dưỡng, loét tỳ đè ở người cao tuổi, chủng ngừa cúm, phế cầu, cai thuốc lá, cách sử dụng bút tiêm insulin, bình xịt dãn phế quản,…
- Nghiên cứu khoa học: Khoa có nhiều nghiên cứu khoa học đã đăng báo trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong năm 2023, khoa Lão đã có 4 bài báo đăng trên các báo y học quốc tế:
- Covid 19 ở người cao tuổi Việt Nam
- Chất lượng giấc ngủ kém và các yếu tố liên quan ở người cao tuổi trong cộng đồng tại Việt Nam
- Can thiệp dựa trên ứng dụng điện thoại di động trong giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu ở người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ ở Việt Nam: protocol một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.
- Suy dinh dưỡng, suy yếu và chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi nông thôn ở Việt Nam: một nghiên cứu cắt ngang.
- Đào tạo: Với nền tảng hợp tác viện trường, khoa Lão học là cơ sở đào tạo – thực tập lâm sàng của các Bác sĩ sau đại học và sinh viên các trường Đại học Y Duợc TP Hồ Chí Minh, trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh đó, khoa Lão cũng là nơi đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng từ cao đẳng đến cử nhân của các trường đại học.
- Phòng khám khoa Lão – Huyết học:
- Phòng khám thường: phòng 111; khám chuyên khoa Huyết học sáng thứ 6 hàng tuần
- Phòng khám dịch vụ: phòng 2 khu E; khám chuyên khoa Huyết học sáng thứ 4 hàng tuần
- Phòng khám ngoài giờ sáng thứ 7, chủ nhật (7h – 12h): phòng 111
- Phòng khám tại khoa lão: tầng trệt khu nội trú, khám và làm xét nghiệm máu, đo điện tim tại chỗ, nhanh chóng, lựa chọn bác sĩ theo yêu cầu.
- Tất cả đều được hưởng bảo hiểm y tế.
Hướng phát triển khoa lão:
- Thành lập và phát triển phòng bệnh nặng (GICU) với oxy tường, monitor theo dõi sinh hiệu và máy thở.
- Thành lập phòng chích khớp, chọc dịch khớp, sinh thiết tủy tại khoa
- Phát triển đơn vị Huyết học với sự cố vấn của TS BS Suzanne MCB Thanh Thanh, nguyên phó khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, giảng viên bộ môn Huyết học Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
- Phát triển đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ, đơn vị chẩn đoán và theo dõi, điều trị Sa sút trí tuệ
- Phát triển các gói khám và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi
- Thành lập câu lạc bộ tư vấn sức khỏe người cao tuổi